Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 tiếp tục phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Điển hình, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 3 tháng cuối năm 2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, GDP cả năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm ngoái.
THU - CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 12/2023 ước đạt 159,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế năm 2023 ước đạt 1.717,8 nghìn tỷ đồng, bằng 106% dự toán năm và giảm 5,4% so với năm ngoái.
Thu nội địa tháng 12/2023 ước đạt 149,6 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2023 ước đạt 1.439 nghìn tỷ đồng, bằng 107,9% dự toán năm và giảm 0,3% so với năm 2022.
Thu từ dầu thô trong tháng ước đạt 5,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2023 ước đạt 62,8 nghìn tỷ đồng, bằng 149,5% dự toán năm và giảm 19,5% so với năm ngoái.
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu trong tháng ước đạt 3,4 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2023 ước đạt 213 nghìn tỷ đồng, bằng 89,1% dự toán năm và giảm 25,4% so với năm 2022.
Về chi, tổng chi ngân sách Nhà nước trong tháng 12/2023 ước đạt gần 229 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2023 ước đạt 1.731,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán năm và tăng 10,9% so với năm 2022. Trong đó, chi thường xuyên năm 2023 ước đạt 1.058,6 nghìn tỷ đồng, bằng 90,3% dự toán năm và tăng 3,2% so với năm ngoái; chi đầu tư phát triển đạt 579,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79,8% và tăng 33,1%; chi trả nợ lãi 90,1 nghìn tỷ đồng, bằng 87,6% và giảm 7,6%.
CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TĂNG TRƯỞNG TÍCH CỰC
Sản xuất công nghiệp của 3 tháng cuối năm tăng trưởng tích cực, tốc độ tăng giá trị ước đạt 6,86% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung cả năm 2023, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 3,02% so với năm ngoái, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62% đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,79%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,18%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 3,17%, làm giảm 0,10 điểm phần trăm.
CÁN CÂN XUẤT - NHẬP KHẨU
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 12/2023 ước đạt 63,54 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm ngoái, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD.
Về xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2023 ước đạt 32,91 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,44 tỷ USD, tăng 9,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,47 tỷ USD, tăng 4,3%. So với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng tăng 13,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 11,1%.
Trong quý 4/2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với quý 3/2023. Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD, giảm 0,3%, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 259,95 tỷ USD, giảm 5,8%, chiếm 73,1%.
Về nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2023 ước đạt 30,63 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,98 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,65 tỷ USD, tăng 3,3%. So với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng tăng 12,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 7,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,1%.
Trong 3 tháng cuối năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 6,3% so với quý 3/2023. Tính chung cả năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm ngoái, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 117,29 tỷ USD, giảm 7,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 210,21 tỷ USD, giảm 9,8%.
HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ LUÔN SÔI ĐỘNG DỊP CUỐI NĂM
Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng cuối năm diễn ra vô cùng sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của 3 tháng cuối năm 2023 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung cả năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm ngoái.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12/2023 ước đạt 565,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 3 tháng cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.662,7 nghìn tỷ đồng và tăng 7,2% so với quý trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.282,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với quý trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 177,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% và tăng 13%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 11,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,9% và tăng 65,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 191,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% và tăng 7%.
VẬN TẢI HÀNH KHÁCH VÀ HÀNG HÓA
Hoạt động vận tải trong tháng khá sôi động do đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách và vận chuyển hàng hóa phục vụ các ngày lễ, Tết. So với cùng kỳ năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 8,5% và luân chuyển hành khách tăng 15,7%; vận chuyển hàng hóa tăng 8,2% và luân chuyển hàng hóa tăng 8,6%. Riêng vận tải đường sắt tiếp tục giảm do không thuận tiện và chi phí cao hơn vận tải đường thủy.
Vận tải hành khách trong tháng ước đạt gần 431 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 2,4% so với tháng trước và luân chuyển 22,2 tỷ lượt khách/km, tăng 3,5%; quý 4/2023 ước đạt 1.272,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2022 và luân chuyển đạt 64,8 tỷ lượt khách/km, tăng 17,9%.
Về vận tải hàng hóa trong tháng ước đạt 222,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 2,4% so với tháng trước và luân chuyển 45,1 tỷ tấn/km, tăng 4%; quý 4/2023 ước đạt 656,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái và luân chuyển 131,8 tỷ tấn/km, tăng 7,9%.
KHÁCH QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM
Trong tổng số 12,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 11 triệu lượt người, chiếm 86,9% số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 3,3 lần năm trước; bằng đường bộ đạt 1,5 triệu lượt người, chiếm 12,1% và gấp 4 lần; bằng đường biển đạt 126,1 nghìn lượt người, chiếm 1% và gấp 40,2 lần.
Số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong tháng 12/2023 là 352,1 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung năm 2023, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 5 triệu lượt người, gấp 2 lần năm ngoái.
HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP
Tình hình đăng ký doanh nghiệp chính là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam năm 2023. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022 và lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160 nghìn doanh nghiệp.
Trong tháng, cả nước có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 155,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 78,5 nghìn lao động, giảm 7,1% về số doanh nghiệp, tăng 1% về vốn đăng ký và giảm 16,3% về số lao động so với tháng 11/2023. So với tháng 12/2022, tăng 23% về số doanh nghiệp, tăng 44,7% về số vốn đăng ký và tăng 8,4% về số lao động.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,7 tỷ đồng, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng, cả nước còn có 6.393 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, còn có 58,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,4% so với năm 2022, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 lên 217,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,5% so với năm 2022. Bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
VỐN FDI ĐĂNG KÝ CẤP MỚI
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2022, mức tăng này cải thiện hơn so với mức tăng 5,8% của 9 tháng, cho thấy trong 3 tháng cuối năm 2023 việc thực hiện các công trình, dự án đầu tư đạt kết quả cao hơn các quý đầu năm.
Trong đó, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 tăng 21,2% so với năm trước, phản ánh kết quả nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2019 đến nay.
Ước tính năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2022 gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 953,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng vốn và tăng 14,6%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.919,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,1% và tăng 2,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 550,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,1% và tăng 5,4%.
Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 3,77 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 3,54 tỷ USD, chiếm 17,6%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 3,41 tỷ USD, chiếm 16,9%; Nhật Bản 2,86 tỷ USD, chiếm 14,2%...
7 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI đăng ký cấp mới là Quảng Ninh; Thái Bình; Bắc Giang; Hải Phòng; Nghệ An; Bắc Ninh và Hải Dương.