
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng rõ nét, GDP quý I năm 2025 đạt 6,93%, cao hơn cùng kỳ 5 năm qua và thuộc nhóm cao trong khu vực cũng như quốc tế.
Có thể thấy, kinh tế của nước ta trong quý 1 năm 2025 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn bất ổn. WB (Ngân hàng thế giới) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam sẽ đạt 6,8%.
TỔNG SẢN PHẨM QUỐC NỘI
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 năm 2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm 2024, đạt mức tăng cao nhất so với quý 1 các năm trong giai đoạn 2020 - 2025.

Kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho quý 1 năm 2025 của kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5 - 7,0% tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu của kịch bản tăng trưởng năm 2025 đạt 8,0% do thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nước ta. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,70%, đóng góp 53,74%.
Trong khu vực dịch vụ, nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán và số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao góp phần cho tăng trưởng của ngành thương mại và dịch vụ đạt mức khá cao.
CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG
Giá xăng dầu, giá gạo giảm theo giá thế giới là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2025 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 3,13% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế quý 1 năm 2025, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm ngoái; lạm phát cơ bản tăng 3,01%.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý 1 năm 2025 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm 2024 đến từ: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 14,4%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,63%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,11%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,78%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,26%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,16%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,57%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,17%; bưu chính viễn thông giảm 0,59%; giáo dục giảm 0,61%; giao thông giảm 2,4%.
Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 28/3, giá vàng thế giới bình quân ở mức 3.000,08 USD/ounce, tăng 10,31% so với tháng 02/2025. Trong tháng 3 năm 2025, giá vàng thế giới tăng mạnh và liên tục lập đỉnh mới do tác động tổng hợp từ nhiều yếu tố kinh tế và địa chính trị.
Bên cạnh đó, các Ngân hàng Trung ương, đặc biệt ở châu Á đẩy mạnh mua vàng để đa dạng hóa dự trữ, góp phần làm tăng nhu cầu vàng trên thế giới. Biến động trên thị trường chứng khoán quốc tế cũng như bất ổn địa chính trị tại nhiều khu vực càng củng cố vai trò của vàng như nơi “trú ẩn” an toàn, góp phần làm cho giá vàng càng tăng cao.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3 năm 2025 tăng 4,68% so với tháng trước; tăng 32,68% so với cùng kỳ năm 2024; bình quân quý 1 năm 2025, chỉ số giá vàng tăng 31,45%.
Giá đô la Mỹ trong nước biến động ngược chiều với giá thế giới. Tính đến ngày 28/3, chỉ số giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 103,94 điểm, giảm 3,15% so với tháng trước do nhiều nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ sớm cắt giảm lãi suất cùng với những lo ngại về các chính sách thuế quan mới của Mỹ, sự suy giảm niềm tin tiêu dùng và biến động trên thị trường tài chính đã khiến nhu cầu nắm giữ đồng đô la Mỹ giảm.
Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do dao động quanh mức 25.685 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2025 tăng 0,77% so với tháng trước; tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân quý 1 năm 2025, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 3,63%.
HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 3 năm 2025 ước đạt 570,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong đó, doanh thu nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 9,9%; lương thực, thực phẩm tăng 9,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,1%; hàng may mặc tăng 5,7%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16,4%; du lịch lữ hành tăng 25,1% do lượng khách quốc tế đến Việt Nam và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế quý 1 năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.708,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ tăng 8,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,5% (cùng kỳ tăng 5,5%).
HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP
Trong tháng, cả nước có hơn 15,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 126,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký hơn 87,5 nghìn lao động, tăng 54,2% về số doanh nghiệp, giảm 7,4% về số vốn đăng ký và tăng 48,0% về số lao động so với tháng 2 năm 2025. So với cùng kỳ năm 2024, tăng 3,4% về số doanh nghiệp, giảm 4,7% về số vốn đăng ký và tăng 2,6% về số lao động.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8,1 tỷ đồng, giảm 39,9% so với tháng trước và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 9,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,3% so với tháng trước và gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm 2024.
Lũy kế quý 1 năm 2025, cả nước có 36,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 356,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 228,2 nghìn lao động, giảm 4,0% về số doanh nghiệp, tăng 1,3% về số vốn đăng ký và giảm 14,6% về số lao động so với cùng kỳ năm 2024. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1 năm 2025 đạt 9,8 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
CÁN CÂN XUẤT - NHẬP KHẨU

Cũng trong tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 75,39 tỷ USD, tăng 18,2% so với tháng trước và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế quý 1 năm 2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 17,0%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,16 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng hóa:

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 năm 2025 đạt 38,51 tỷ USD, tăng 23,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,08 tỷ USD, tăng 32,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 27,43 tỷ USD, tăng 20,7%. So với cùng kỳ năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng tăng 14,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 12,9%.
Lũy kế quý 1 năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 29,02 tỷ USD, tăng 15,0%, chiếm 28,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 73,82 tỷ USD, tăng 9,0%, chiếm 71,8%.
Cũng trong quý 1 năm 2025 có 18 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 59,9%).
Nhập khẩu hàng hóa:

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3 năm 2025 đạt 36,88 tỷ USD, tăng 12,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 13,98 tỷ USD, tăng 17,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,9 tỷ USD, tăng 10,1%. So với cùng kỳ năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng tăng 19,0%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,3%.
Lũy kế quý 1 năm 2025, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 99,68 tỷ USD, tăng 17,0% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 36,78 tỷ USD, tăng 19,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 62,9 tỷ USD, tăng 15,8%.
Cũng trong quý 1 năm 2025 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 77,2% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 44,4%).
CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP (IIP)

Chỉ số IIP quý 1 năm 2025 ước tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ tăng 5,9%), trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (cùng kỳ tăng 6,0%), đóng góp 7,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,6%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 4,7%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1 năm 2025 so với cùng kỳ năm ngoái tăng ở 59 địa phương và giảm ở 4 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
THU - CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Thu ngân sách Nhà nước quý 1 năm 2025 ước tăng 29,3% và chi ngân sách Nhà nước ước tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Thu ngân sách Nhà nước:

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 3 năm 2025 ước đạt 189,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước quý 1 năm 2025 đạt 721,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán năm và tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, một số khoản thu chính như sau:
- Thu nội địa trong tháng ước đạt 161,2 nghìn tỷ đồng. Lũy kế quý 1 năm 2025 đạt 646,3 nghìn tỷ đồng, bằng 38,7% dự toán năm và tăng 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Thu từ dầu thô trong tháng ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế quý 1 năm 2025 đạt 13,3 nghìn tỷ đồng, bằng 25,0% dự toán năm và giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2024.
- Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu trong tháng ước đạt 24,0 nghìn tỷ đồng. Lũy kế quý 1 năm 2025 đạt 61,6 nghìn tỷ đồng, bằng 26,2% dự toán năm và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi ngân sách Nhà nước:

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 3 năm 2025 ước đạt 148,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế quý 1 năm 2025 ước đạt 428,2 nghìn tỷ đồng, bằng 16,8% dự toán năm và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, chi thường xuyên quý 1 năm 2025 đạt 316,5 nghìn tỷ đồng, bằng 20,2% dự toán năm và tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái; chi đầu tư phát triển đạt 78,7 nghìn tỷ đồng, bằng 10,0% và giảm 2,5%; chi trả nợ lãi 32,6 nghìn tỷ đồng, bằng 29,5% và tăng 1,7%.
VẬN TẢI HÀNH KHÁCH VÀ HÀNG HÓA
Hoạt động vận tải tháng 3 năm 2025 tiếp tục sôi động, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong nước cũng như khách quốc tế đến Việt Nam, phục vụ sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa. So với cùng kỳ năm 2024, vận tải hành khách trong tháng tăng 20,1% về vận chuyển và tăng 12,5% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 16,4% về vận chuyển và tăng 15,4% về luân chuyển.
Lũy kế quý 1 năm 2025, vận chuyển hành khách tăng 17,6% và luân chuyển tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái; vận chuyển hàng hóa tăng 15,4% và luân chuyển tăng 8,9%.

Vận tải hành khách trong tháng ước đạt 479,4 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 0,8% so với tháng trước và luân chuyển 25,8 tỷ lượt khách/km, giảm 1,2%. Lũy kế quý 1 năm 2025, vận tải hành khách ước đạt 1.414,2 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ tăng 8,8%) và luân chuyển đạt 77,7 tỷ lượt khách/km, tăng 14,7% (cùng kỳ tăng 12,7%).
Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 1.409,4 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái và 62,2 tỷ lượt khách/km luân chuyển, tăng 17,3%; vận tải ngoài nước ước đạt 4,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 4,8% và 15,5 tỷ lượt khách/km luân chuyển, tăng 5,2%.
Đồng thời, vận tải hàng hóa trong tháng ước đạt 242,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 2,7% so với tháng trước và luân chuyển 45,5 tỷ tấn/km, tăng 3,8%. Lũy kế quý 1 năm 2025, vận tải hàng hóa ước đạt 715,8 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ tăng 13,1%) và luân chuyển 138,6 tỷ tấn/km, tăng 8,9% (cùng kỳ tăng 9,6%).
Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 703,3 triệu tấn vận chuyển, tăng 15,6% và 84,3 tỷ tấn/km luân chuyển, tăng 7,4%; vận tải ngoài nước ước đạt 12,5 triệu tấn vận chuyển, tăng 9,0% và 54,3 tỷ tấn/km luân chuyển, tăng 11,4%.
KHÁCH QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM

Trong tháng 3 năm 2025, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 2,05 triệu lượt người, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế quý 1 năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt người, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là số lượng khách vào nước ta trong một quý cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 5,2 triệu lượt người, chiếm 86,4% lượng khách quốc tế đến và tăng 34,0%; bằng đường bộ đạt 685,5 nghìn lượt người, chiếm 11,4% và tăng 9,6%; bằng đường biển đạt 133,0 nghìn lượt người, chiếm 2,2% và giảm 2,7%.
Số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong quý 1 năm 2025 đạt 2,7 triệu lượt người, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2024.
VỐN FDI ĐĂNG KÝ CẤP MỚI
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý 1 năm 2025 theo giá hiện hành tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,5% của cùng kỳ của năm 2024. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam quý 1 năm 2025 ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất 3 tháng đầu năm của các năm từ 2020 đến nay.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 1 năm 2025 theo giá hiện hành ước đạt 666,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2024, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 184,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái; khu vực ngoài Nhà nước đạt 361,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,2%, tăng 5,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 120,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,1% và tăng 9,3%.
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý 1 năm 2025 ước đạt 116,9 nghìn tỷ đồng, bằng 13,5% kế hoạch năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ bằng 12,5% và tăng 3,6%). Theo cấp quản lý, vốn Trung ương đạt 16,9 nghìn tỷ đồng, bằng 12,3% kế hoạch năm và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2024; vốn địa phương đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, bằng 13,7% và tăng 22,2%. Trong vốn địa phương quản lý, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 66,5 nghìn tỷ đồng, bằng 12,6% và tăng 23,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 28,9 nghìn tỷ đồng, bằng 16,1% và tăng 20,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 4,6 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% và tăng 17,8%.
Trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2025, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 30,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1,23 tỷ USD, chiếm 28,5%; Đài Loan (TQ) 368,1 triệu USD, chiếm 8,5%; Nhật Bản 341,8 triệu USD, chiếm 7,9%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (TQ) 310,2 triệu USD, chiếm 7,2%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 190,7 triệu USD, chiếm 4,4%;

7 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI đăng ký cấp mới là Bắc Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nam, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh.