Tổng Bí thư Đỗ Mười và chuyện quản lý vốn FDI

Tổng Bí thư Đỗ Mười đập tay xuống bàn than: “Trời ơi, các anh hợp tác đầu tư để lấy được công nghệ về cho đất nước, thế mà gần 10 năm rồi có công nghệ làm cám lợn cũng chưa học được thì đến bao giờ ta
Tổng Bí thư Đỗ Mười và chuyện quản lý vốn FDI

Phải học được công nghệ nước ngoài

Một lần năm 1996 tôi đang là chuyên viên Vụ Quản lý dự án đầu tư nước ngoài của Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) thì được cử tham dự buổi tọa đàm về Đầu tư nước ngoài (FDI) ở Viện Quản lý kinh tế Trung ương.

Đến nơi tôi mới biết, buổi tọa đàm này được tổ chức theo yêu cầu của Tổng Bí thư Đỗ Mười, với sự tham gia của khoảng 20 cán bộ là đại diện bên Việt Nam trong các liên doanh và một số cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, một số bộ, ngành.

Mọi người được bố trí ngồi theo các dãy bàn kê thành hình chữ nhật, Tổng Bí thư đi đi lại lại ở giữa, vừa đi vừa vung tay thuyết trình với giọng khàn khàn.

Sau khi nghe một số đại biểu trình bày về kết quả hợp tác đầu tư với nước ngoài, Tổng Bí thư nói, phương thức đầu tư này Lênin đã thực hiện từ thời chính sách kinh tế mới. Nó giống như địa tô thôi.

Rồi ông khẳng định, thu hút đầu tư nước ngoài, điều quan trọng là chúng ta phải tiếp thu, học hỏi và làm chủ được công nghệ của họ. Công nghệ là yếu tố quyết định trong hợp tác đầu tư với nước ngoài. Có được công nghệ hiện đại thì đất nước mới phát triển được.

Liên doanh Việt - Pháp Proconco sản xuất cám con cò ở Biên Hòa, Đồng Nai được đánh giá là một liên doanh rất thành công vào thời điểm đó.

Ông Phó Tổng Giám đốc liên doanh báo cáo với Tổng Bí thư rằng liên doanh hoạt động kinh doanh có lãi lớn, sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Liên doanh có trên 100 người chỉ có hai người nước ngoài, còn lại người Việt nam đảm nhận hầu hết các khâu từ sản xuất đến kinh doanh bán hàng. Thu nhập của người lao động rất tốt.

Tổng Bí thư đặt câu hỏi, tôi yêu cầu anh làm một nhà máy như thế ở phía Bắc, anh có làm được không?

Đồng chí Phó Tổng Giám đốc liên doanh lúng túng nói: “Hai chuyên gia nước ngoài nắm giữ bí quyết công nghệ nên ta chưa thể làm được”.

Tổng Bí thư Đỗ Mười đập tay xuống bàn than: “Trời ơi, các anh hợp tác đầu tư với nước ngoài để lấy được công nghệ về cho đất nước, thế mà gần 10 năm rồi có công nghệ làm cám lợn cũng chưa học được thì đến bao giờ ta mới có công nghệ tên lửa vũ trụ?”.

Rồi Tổng Bí thư chỉ đạo các bộ, ngành phải nghiên cứu sớm để ban hành chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho bên Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay, sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, tâm nguyện của nguyên Tổng Bí thư vẫn chưa thành hiện thực.

Vốn FDI, không phải bạ cái gì cũng nhận

Vào mùa nhãn năm 2006, Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tục nhận được các văn bản gửi đến từ Văn phòng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười phản ánh việc không đồng tình của ông đối với việc cấp phép đầu tư, cấp phép chuyển nhượng một số dự án FDI.

Đặc biệt, nguyên Tổng Bí thư phản ứng khá mạnh về việc xử lý đối với dự án liên doanh Núi Pháo, mỏ đa kim đất hiếm được đánh giá có trữ lượng lớn thứ hai trên thế giới.

Lúc đó, một số người khi gặp tôi thường tỏ ra quen biết với cụ Đỗ Mười và có những phát ngôn ngầm đe dọa về hoạt động của phòng quản lý dự án FDI trong lĩnh vực dịch vụ do tôi là Trưởng phòng .

Chính điều này thôi thúc tôi phải gặp cụ. Sau khi kiên hệ với Văn phòng nguyên Tổng Bí thư, tôi được ông hẹn đến trao đổi sau bữa ăn tối.

Tôi rủ một người quen đang là giám đốc một xí nghiêp đi cùng. Khoảng 19h30, hai anh em đến nhà nguyên Tổng Bí thư, thì được đồng chí bảo vệ thông báo, cụ đang đợi các anh ở phòng khách.

Thấy chúng tôi, nguyên Tổng Bí thư đứng dậy bắt tay thân mật và chỉ vào ghế mời ngồi.

Tôi tự giới thiệu là cán bộ Cục Đầu tư Nước ngoài đến xin ý kiến nguyên Tổng Bí thư về việc quản lý các dự án FDI tại Việt Nam.

Trong 2 tiếng đồng hồ nói chuyện, nguyên Tổng Bí thư lúc đó đã 90 tuổi cho tôi thấy khả năng làm việc và trí tuệ siêu việt của cụ. Hầu như tôi chỉ ngồi nghe và thỉnh thoảng chịu một cái vỗ vai của cụ.

Nguyên Tổng Bí thư nói về các nguyên lý quản lý kinh tế của Lê nin giai đoạn 1921-1925, về cuộc chống lạm phát ở Việt Nam do cụ chỉ huy những năm 1987-1991.

Khi được hỏi về quản lý dự án FDI, cụ lấy ra hai cuốn sách, một cuốn Lê nin tuyển tập và một cuốn của Đặng Tiểu Bình, mở ra những trang cụ đã đánh dấu, chỉ cho tôi những đoạn cụ đã gạch dưới, khoanh tròn bằng bút chì.

Cụ phân tích vấn đề địa tô của Lê nin và chính sách “mèo đen, mèo trắng” của Đặng Tiểu Bình.

Cuối cùng nguyên Tổng Bí thư kết luận: thu hút đầu tư nước ngoài phải có định hướng, có quy hoạch, thu hút đúng cái Việt Nam cần, chứ không phải bạ cái gì cũng nhận. Cụ không đồng tình với quan điểm coi nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt, cụ cho rằng khoáng sản là tài nguyên quý không tái tạo được, nếu đời này chưa khai thác, chế biến, sử dụng thì để đời sau, không nên cho nước ngoài khai thác và xuất khẩu nguyên liệu thô.

Về quản lý đầu tư nước ngoài, cụ ví dụ thật dí dỏm: nhà đầu tư nước ngoài là khách, chúng ta là chủ phải đối xử lịch sự với khách, có khi phải nhịn miệng đãi khách, nhưng không thể cho khách vào phòng ngủ nhà mình và phải cảnh giác ngăn chặn việc khách ve vãn vợ mình.

Nguyên Tổng Bí thư không đồng tình với việc chuyển nhượng vốn, thay đổi chủ đầu tư liên doanh Núi Pháo.

Cụ cho rằng, cần quản lý chặt chẽ việc chuyển nhượng vốn có yếu tố nước ngoài, kể cả việc chuyển nhượng vốn, mua lại các doanh nghiệp của Việt Nam để tránh thất thoát vốn Nhà nước.

Cụ bảo nói tôi về đề xuất lãnh đạo nghiên cứu sớm ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn và quản lý các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Những câu hỏi còn chưa trả lời

Sau đó một năm, năm 2007 tôi đã chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có vốn FDI, sau đó được Bộ đồng ý cho tôi tiến hành điều tra nhu cầu M&A của các doanh nghiệp, với sự tham gia cuả PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân và các chuyên viên Cục Đầu tư Nước ngoài.

Nhóm nghiên cứu đã kiến nghị Chính phủ cho soạn thảo, ban hành sớm Nghị định hướng dẫn và quản lý đầu tư theo hình thức M&A. Tuy nhiên đề xuất này đã chìm vào sự im lặng.

Từ năm 2009 đến nay, người ta đã 10 lần tổ chức Diễn đàn đầu tư M&A rất rùm beng, nhưng việc quản lý hoạt động này như thế nào thì rất ít được nhắc đến. Giá trị M&A lên tới hơn 10 tỷ đô la trong năm ngoái là con số không thể không lo lắng. Có lẽ vì vậy mới xảy những vụ chuyển nhượng lớn như Metro, Big C,… mà không hiểu đất nước đã bị thiệt hại bao nhiêu?

Kể từ năm 1996, chúng ta đã có nhiều nghị quyết, lời nói về những giải pháp thu hút vốn FDI theo quy hoạch, công nghệ cao, kinh tế xanh… nhưng hành động thì không kèm theo.

Đến giờ vẫn còn sôi nổi bàn về xây dựng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, trong khi nền kinh tế như một cơ thể còi cọc và một số chuyên gia đã phát biểu “Việt Nam là một đất nước không chịu phát triển”.

Hôm nay, tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về với thế giới người hiền, tôi viết mấy dòng về những kỷ niệm, về những trăn trở của cụ về vốn FDI để bày tỏ niềm thương tiếc cụ, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước, một trí tuệ siêu việt, một tấm gương tự học tập, tự nghiên cứu không biết mệt mỏi, nhưng cũng là một con người hết sức dân dã và dễ gần.

Ngô Công Thành, nguyên Trưởng phòng Dịch vụ, Cục Đầu tư Nước ngoài/Vietnamnet

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…