Tổng công ty Bảo hiểm PVI thua kiện, chây ì thanh toán tiền bồi thường

Mặc dù cả bản sơ thẩm và phúc thẩm đều khẳng định Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI Insurance) có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM với tổng số tiền là hơn 2,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay đơn vị này vẫn chây ì, chưa thanh toán bất kỳ đồng nào…

pvi-1-2380.jpg
PVI Insurance thua kiện, phải bồi thường cho Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng

Tạp chí Thương Gia nhận được phản ánh của Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM về việc doanh nghiệp này bị Tổng công ty Bảo hiểm PVI chây ì thanh toán tiền bồi thường bảo hiểm với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Theo phản ánh, ngày 11/8/2020, Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM ký kết hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số C02/VCND/41/18/20 với Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành, chi nhánh của Tổng công ty Bảo hiểm PVI (sau đây gọi là Công ty PVI, đặt tại địa chỉ tầng 4 và tầng 5 tòa nhà văn phòng số 6 – 10 Cửu Long, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) với nội dung: Công ty PVI nhận bảo hiểm hàng hóa là 3.670 tấn đá (0-6cm) đóng bao cho Công ty Cổ phần Hóa Chất TP.HCM.

Thực hiện hợp đồng, ngày 17/12/2020, Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM gửi giấy yêu cầu bảo hiểm hàng hóa đến công ty PVI. Ngày 18/12/2020, Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM nhận được từ Công ty PVI giấy chứng nhận bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam số 20/18/41/VCND/PC00637. Đối tượng bảo hiểm là 3.670 tấn đá (0-6cm) đóng bao được chở trên tàu Thành Hưng 41 khởi hành ngày 15/01/2021 từ cảng PTSC Nghi Sơn Thanh Hóa đến cảng TP.HCM.

TÌM MỌI LÝ DO ĐỂ TỪ CHỐI BỒI THƯỜNG

Thật không may, trong quá trình vận chuyển, ngày 22/8/2021, khi tàu Thành Hưng 41 đang neo đậu tại vùng biển tiếp giáp giữa Nghệ An và Thanh Hóa thì bị chìm, dẫn tới việc tổn thất hoàn toàn 3.670 tấn đá (0-6cm) đóng bao của Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM.

Ngày 23/8/2021, Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM đã thông báo cho Công ty PVI biết về sự kiện bảo hiểm trên và yêu cầu Công ty PVI bồi thường theo hợp đồng và giấy chứng nhận bảo hiểm hàng hóa.

Tuy nhiên, Công ty PVI có văn bản trả lời không đồng ý bồi thường với nhiều lý do như không thuộc phạm vi bảo hiểm, thuộc điều kiện loại trừ bảo hiểm… Mỗi lần từ chối lại nêu một lý do khác nhau.

Giấy chứng nhận bảo hiểm do Bảo hiểm PVI cấp cho Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM

Giấy chứng nhận bảo hiểm do Bảo hiểm PVI cấp cho Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM

Mặc dù, Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM đã nhiều lần gửi công văn cho Công ty PVI yêu cầu bồi thường nhưng Công ty PVI vẫn cương quyết từ chối, buộc doanh nghiệp này phải khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận Tân Bình (TP.HCM) để đòi quyền lợi.

Ngày 25/9/2023, Tòa án nhân dân quận Tân Bình đã đưa vụ việc ra xét xử và tuyên án: Buộc bị đơn là Công ty PVI phải bồi thường cho Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM số tiền 2.719.523.170 đồng, trong đó tiền bảo hiểm hàng hóa là 2.248.609.000 đồng và tiền lãi chậm trả là 470.914.170 đồng cho. Đồng thời, phải chịu án phí là gần 86,4 triệu đồng.

Bản án sơ thẩm bị Công ty PVI kháng cáo và được Toà án nhân dân TP.HCM xét xử phúc thẩm, ra bản án phúc thẩm số 127/2024/KDTM-PT ngày 17/5/2024 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, trong đó giữ nguyên nội dung: Công ty PVI phải bồi thường cho Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM số tiền 2.719.523.170 đồng, trong đó tiền bảo hiểm hàng hóa là 2.248.609.000 đồng và tiền lãi chậm trả là 470.914.170 đồng cho. Đồng thời, phải chịu án phí là gần 86,4 triệu đồng.

Như vậy, cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều khẳng định trách nhiệm bồi thường của Công ty PVI. Tuy nhiên, đến nay, Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM cho biết, họ vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào của Công ty PVI.

Trao đổi với Thương Gia, Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM, cho biết: Khi xảy ra sự cố chìm tàu, Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM lập tức thông báo cho Công ty PVI biết và yêu cầu bồi thường.

Tuy nhiên, PVI không cử người tiếp cận hiện trường sự cố, không tiến hành các biện pháp nghiệp vụ bảo hiểm để xác định tổn thất, tìm hiểu nguyên nhân mà bỏ mặc không quan tâm tới thiệt hại của khách hàng. Các lập luận của họ đưa ra để từ chối bồi thường đã bị các cấp toà án bác bỏ.

“Theo pháp luật, họ phải bồi thường, thế nhưng dù bản án của toà án đã có hiệu lực kể từ ngày 17/5/2024 nhưng PVI vẫn không thực việc tự nguyện thanh toán, kéo dài thời gian chi trả làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của chúng tôi”, đại diện Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM khẳng định và nhấn mạnh: “Với tư cách là khách hàng của PVI, người được PVI bảo vệ nhưng chúng tôi nhận thấy PVI đang tiếp tục gây khó khăn cho khách hàng của mình, điều đó thật sự bất công với chúng tôi. Chúng tôi không còn tin tưởng vào uy tín, trách nhiệm của Công ty PVI”.

TRẦN AI ĐI ĐÒI BỒI THƯỜNG BẢO HIỂM

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Đoàn Thị Thu Hiền, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định: Trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng của mình vì thiệt hại của khách hàng là có thật, cũng như Toà án đã phân xử đúng sai rõ ràng bằng phán quyết có hiệu lực.

Theo Luật sư Hiền, bản án, quyết định của Toà án phải được mọi cơ quan tổ chức chấp hành. Điều 106, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Sau khi cơ quan thi hành án có quyết định thi hành án, nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân không chấp hành án thì ngoài tiếp tục phải trả tiền lãi theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường, họ sẽ bị cơ quan thi hành án áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án như phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản… hoặc nếu trốn thi hành án thì sẽ bị xử phạt hành chính, hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý tội “trốn thi hành án”.

Mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro nhưng khi rủi ro đến, Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM lại phải chật vật đòi quyền lợi của mình

Mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro nhưng khi rủi ro đến, Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM lại phải chật vật đòi quyền lợi của mình

Nếu qua quá trình xác minh điều kiện thi hành án mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không còn tài sản gì để thi hành án, thì người yêu cầu thi hành án có thể làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp bảo hiểm này theo Luật Phá sản. Pháp luật sẽ bảo vệ bên mua bảo hiểm trong trường hợp đã có phán quyết có hiệu lực của toà án và mọi hành vi sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Được biết, Tổng công ty Bảo hiểm PVI là công ty con của PVI Holdings, được đánh giá là một trong những cái tên đình đám trên thị trường bảo hiểm Việt Nam với các gói bảo hiểm “uy tín, chất lượng vượt trội nhất”.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Bảo hiểm PVI là ông Dương Thanh Danh Francois và Tổng giám đốc là ông Phạm Anh Đức. Hiện Bảo hiểm PVI có lực lượng cán bộ nhân viên rất hùng hậu với hơn 2.400 người.

Năm 2023, đơn vị này tiếp tục giữ vị thế số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trên các chỉ tiêu trọng yếu với tổng doanh thu đạt 14.547 tỷ đồng, hoàn thành 119,5% kế hoạch năm, tăng trưởng 14% so với năm 2022 và dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 11.002 tỷ đồng, tăng trưởng 9,7%, chiếm thị phần cao nhất.

Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận từ hoạt động bảo hiểm năm 2023 của PVI Insurance cũng cao nhất thị trường, trong đó lợi nhuận trước thuế đạt 790 tỷ, hoàn thành 116,2% kế hoạch năm, tăng trưởng 16,2%.

pvi-3-329.jpg
Ông Dương Thanh Danh Francois, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bảo hiểm PVI

Với thành tích xuất sắc đó, Bảo hiểm PVI đã nhận được những giải thưởng danh giá, uy tín đến từ các tổ chức trong nước và quốc tế như: Bảo hiểm PVI là doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ duy nhất 3 năm liên tiếp được vinh danh trong Top 50 doanh nghiệp lợi nhuận xuất sắc Việt Nam; 8 năm liên tiếp được bình chọn Công ty Bảo hiểm hàng đầu trong Top 10 Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ uy tín 2023 bởi Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report); Top 10 doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ có nơi làm việc tốt nhất và nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam năm 2023; là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sáng tạo nhất 2023 do tạp chí International Finance Magazine (IFM) bình chọn; được vinh danh trong danh sách giải thưởng “Insurance Asia Awards” của Insurance Asia News - Tạp chí Bảo hiểm Châu Á hạng mục Doanh nghiệp bảo hiểm kỹ thuật số tốt nhất năm 2023.

“Theo các đánh giá quảng cáo với nhiều cái nhất như vậy nên chúng tôi mới tin tưởng mua bảo hiểm của PVI. Nhưng khi xảy ra sự cố và phải theo đuổi vụ kiện kéo dài mà vẫn chưa nhận được bồi thường thì chúng tôi thấy rằng, PVI đã hoàn toàn đứng ngoài sự cố của khách hàng và chỉ tìm mọi lý do để thoái thác, từ chối trách nhiệm bồi thường. Hiện vụ việc của chúng tôi có bản án của toà án nhưng họ tiếp tục chiêu bài kéo dài, chây ỳ thanh toán, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, đại diện Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM khẳng định.

“Chúng tôi mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro, mà khi rủi ro đến lại nhận được thêm nhiều rủi ro khác. Thật trần ai cho những ai mua bảo hiểm mà lại bị “hành” như với trường hợp của chúng tôi khi mua tại Tổng công ty Bảo hiểm PVI”, đại diện Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM bức xúc trước cách hành xử của một tổng công ty lớn về bảo hiểm như PVI.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Mưa bão tàn phá mùa du lịch ở miền Bắc

Mưa bão tàn phá mùa du lịch ở miền Bắc

Nhiều công ty, khách du lịch phải quyết định huỷ, hoặc hoãn các chuyến đi do hậu quả của mưa bão. Nhiều điểm đến hùng vĩ ở miền núi phía Bắc bị sạt lở nghiêm trọng, còn các bãi biển chưa kịp khắc phục sau bão...

Giá vàng thế giới lấy lại mốc 2.500 USD

Giá vàng thế giới lấy lại mốc 2.500 USD

Vàng thế giới có xu hướng tăng nhẹ khi giới đầu tư chờ đón một quyết định chính sách ôn hoà của Fed. Trong nước, giá vàng miếng SJC “bất động” ở phiên thứ 5 liên tiếp…

Vàng miếng bất ngờ giảm nửa triệu đồng/lượng

Vàng miếng bất ngờ giảm nửa triệu đồng/lượng

Sau nhiều phiên "bất động", giá vàng miếng trong nước đột ngột điều chỉnh giảm mạnh. Trên thị trường quốc tế, giá đảo chiều tăng nhẹ sau khi đồng USD suy yếu do báo cáo việc làm không như mong đợi....