Đến nay, Thông tư 67/2023/TT-BTC đã giúp khung pháp lý cho hoạt động đại lý bảo hiểm, đặc biệt là kênh đại lý là các ngân hàng đã cơ bản hoàn thiện và chặt chẽ. Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, sự thay đổi của doanh nghiệp bảo hiểm và hỗ trợ của người tham gia bảo hiểm… đây là điều kiện nền tảng để thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng hoạt động minh bạch, lành mạnh và bền vững hơn.
Để có cái nhìn sâu hơn về những điểm mới quan trọng trong hai văn bản quy phạm pháp luật trên, Thương gia đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).
Gần nhất, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 46/2023/NĐ-CP. Ông đánh giá như thế nào về Thông tư này?
Có thể nói, cùng với Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 46/2023/NĐ-CP, Nghị định 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, việc ra ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC đã giúp cơ sở pháp lý của thị trường bảo hiểm cơ bản được hoàn thiện. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tích cực để hoàn thiện dự thảo về Nghị định sửa đổi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài Chính, Thông tư 67 đã có nhiều quy định mới để nâng cao chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm nói chung, đặc biệt là đại lý bảo hiểm là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, Thông tư 67 đã đưa ra những quy định mới nhằm tạo nền tảng cho thị trường bảo hiểm hoạt động phù hợp hơn với thực thế phát triển của thị trường bảo hiểm trong nước và xu thế phát triển của thế giới.
Cùng với những quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 46/2023/NĐ-CP, liệu rằng những quy định mới tại Thông tư 67 về kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng đã đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý để ngăn chặn tình trạng nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm và tăng tính lành mạnh cho kênh đại lý tiềm năng này hay chưa, thưa ông?
Chúng tôi cho rằng, hiện nay, cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động về bán bảo hiểm qua ngân hàng đã khá toàn diện và phù hợp với tình hình thị trường bảo hiểm trong thời gian vừa qua, cũng như đảm bảo phát triển ổn định trong thời gian tới.
Để đảm bảo sự phát triển theo hướng bền vững của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, quy định tại Nghị định 46 và Thông tư 67 đã tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm: Tăng cường tính minh bạch trong cung cấp bảo hiểm qua ngân hàng; Đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng; Tăng cường giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng;
Theo đó, tại Điều 62 Nghị định số 46 đã bổ sung các yêu cầu đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, thì tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng sẽ phải thiết lập một quầy giao dịch riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng.
Đồng thời, tại Điều 52, 53 Thông tư 67 tiếp tục bổ sung các quy định trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm các thông tin về sản phẩm bảo hiểm thông qua các tài liệu do doanh nghiệp xây dựng và cung cấp.
Đặc biệt, đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, quá trình tư vấn của đại lý phải được ghi âm, yêu cầu đại lý thông tin cho khách hàng về công cụ tính toán giúp bên mua bảo hiểm có thể tự xây dựng được kế hoạch bảo hiểm và quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm khách hàng dự kiến tham gia trên trang thông tin điện tử (website) của doanh nghiệp bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Thông tư mới yêu cầu các ngân hàng hoạt động đại lý phải thông tin rõ cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng và việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các dịch vụ, sản phẩm khác của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Thông tư 67/2023/TT-BTC cũng quy định những tài liệu và nội dung mới về bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, tài liệu tóm tắt quy tắc điều khoản, tài liệu giới thiệu sản phẩm, tài liệu minh họa bán hàng, quy định về thông tin quảng cáo về sản phẩm bảo hiểm nhằm đảm bảo các tài liệu được cung cấp cho khách hàng phải rõ ràng, minh bạch.
Chưa dừng ở đó, để đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia bảo hiểm của khách hàng, Điều 97 của Nghị định 46 còn bổ sung yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập công cụ tính toán trên website của doanh nghiệp và hướng dẫn để khách hàng có thể chủ động, tự xây dựng kế hoạch bảo hiểm phù hợp với bản thân trước khi lựa chọn giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Nghị định 46/2023/NĐ-CP và Thông tư 67 cũng đã bổ sung quy định về việc tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay. Điều này nhằm hạn chế tối đa hiện tượng “ép buộc” khách hàng tham gia các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khi đến vay vốn tại ngân hàng như báo chí và dư luận xã hội đã nêu trong thời gian qua.
Cùng với đó, nhằm tăng cường chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, Điều 62 Nghị định số 46 đã bổ sung các yêu cầu đối với các tổ chức tín dụng hoạt động đại lý bảo hiểm như: Thiết lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm; có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm của các nhân viên trong tổ chức đại lý. Quy trình này phải đảm bảo các nhân viên trong tổ chức đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý tuân thủ đúng các nguyên tắc hoạt động đại lý, các nội dung được ủy quyền tại hợp đồng đại lý và quy định của pháp luật có liên quan.
Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, Nghị định 46 cũng đã bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với chất lượng hoạt động đại lý của nhân viên trong tổ chức đại lý. Đồng thời, cũng bổ sung một số quy định nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giám sát và kiểm soát chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng như: doanh nghiệp phải thực hiện việc giám sát và kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động giới thiệu, tư vấn sản phẩm bảo hiểm của các nhân viên của tổ chức hoạt động đại lý; kịp thời phối hợp với tổ chức hoạt động đại lý để kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của bên mua bảo hiểm liên quan đến việc tư vấn của nhân viên của tổ chức hoạt động đại lý và xử lý vi phạm (nếu có).
Cơ bản khung khổ pháp lý của thị trường bảo hiểm đã được hoàn thiện, tuy nhiên, đó mới cũng chỉ là một yếu tố mang tính nền tảng hỗ trợ thị trường phát triển. Để thị trường bảo hiểm hoạt động lành mạnh, bền vững, đóng góp nhiều hơn sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, vẫn cần sự chung tay phối hợp của các cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội, sự nỗ lực thay đổi của doanh nghiệp và ngân hàng, sự ủng hộ, tin tưởng cũng như trách nhiệm của người tham gia trước khi giao kết hợp đồng.
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)
Còn về chi phí hoa hồng, chi thưởng đại lý bảo hiểm, Thông tư mới sửa đổi thế nào, thưa ông?
Thông tư 67 bổ sung yêu cầu việc chi trả hoa hồng và các khoản thưởng cho đại lý phải có tiêu chí định lượng cụ thể, gắn với kết quả, thành tích về khai thác, duy trì hợp đồng bảo hiểm và chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Thông tư 67 cũng sửa đổi các giới hạn đối với hoa hồng theo hướng giảm hoa hồng năm đầu và phân bổ vào các năm sau nhằm khuyến khích đại lý chú trọng vào chất lượng khai thác, công tác chăm sóc khách hàng, nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm.
Có một số ý kiến cho rằng, những quy định mới tại Thông tư 67 về đại lý bảo hiểm là quá chặt chẳng hạn như quy định về thời hạn 60 ngày trước và sau giải ngân, hạn chế tỷ lệ chi phí… có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng chung thị trường bảo hiểm. Trên góc độ cơ quan quản lý, ông nghĩ sao về điều này?
Trong thời gian qua, cùng với sự tác động khách quan từ khó khăn kinh tế vĩ mô, thị trường bảo hiểm Việt Nam vừa trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn, thách thức khi niềm tin của khách hàng đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ suy giảm do chất lượng tư vấn, cung cấp dịch vụ của các đại lý bảo hiểm có nhiều tồn tại…
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có các giải pháp đồng bộ vừa hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp lý, vừa tăng cường quản lý, giám sát, vừa đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền….
Hệ thống các quy định mới đã được ban hành nhằm khắc phục các tình trạng tồn tại trong thời gian vừa qua và phát triển thị trường bảo hiểm theo hướng tăng cường về chất lượng và phát triển lành mạnh. Bởi vậy, Thông tư 67 cũng đã quy định một khoảng thời gian chuyển tiếp đối với các quy định mới về đại lý bảo hiểm. Cùng sự chủ động điều chỉnh của các doanh nghiệp, chúng tôi đánh giá điều này sẽ bước đầu hỗ trợ thị trường hoạt động quy củ và chất lượng hơn.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận rằng, với những vấn đề khó khăn và tồn tại vừa qua, thị trường bảo hiểm cần thêm thời gian để chuyển biến tích dần, theo hướng tăng chiều sâu, tăng chất lượng. Tôi kỳ vọng với các giải pháp mà các cơ quan quản lý nhà nước đã, đang tích cực triển khai, sự nỗ lực thay đổi của DNBH, niềm tin của khách hàng được củng cố, trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm sẽ phục hồi theo hướng phát triển chất lượng hơn, bền vững hơn.