Thua kiện Lilama, Đức Long Gia Lai bị tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, DLG dư bán sàn 9 triệu cổ phiếu

Đại gia phố núi sở hữu 3 nhà máy linh kiện tại Việt - Trung - Hàn, 4 trạm thu phí BOT và loạt dự án năng lượng tái tạo bị Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản vì không trả nổi 20 tỷ đồng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trụ sở Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Đức Long Gia Lai, mã chứng khoán: DLG)
Trụ sở Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Đức Long Gia Lai, mã chứng khoán: DLG)

Ngày 12/10, Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai có quyết định mở thủ tục phá sản với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Đức Long Gia Lai, mã chứng khoán: DLG) sau khi xem xét đơn yêu cầu của Công ty Cổ phần Lilama 45.3 (Lilama 45.3, mã chứng khoán: L43), cổ phiếu DLG ngay lập tức giảm sàn. Kết thúc phiên giao dịch 13/12 DLG dư bán hơn 9,2 triệu cổ phiếu.

Cụ thể, ngày 24/7, Lilama 45.3 đã gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai lên Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai do không đòi được khoản nợ gần 20 tỷ đồng.

Ngay sau đó, Đức Long Gia Lai đã có giải trình đối với yêu cầu của Lilama 45.3 và khẳng định không bị mất khả năng thanh toán, tổng tài sản của Đức Long Gia Lai tại thời điểm này là gần 6.000 tỷ đồng.

Khoản nợ của Lilama 45.3 là rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của công ty, hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của công ty, do đó công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản.

Theo quyết định ngày 12/10 trong 30 ngày từ 9/10/2023, chủ nợ (Lilama 45.3) phải gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên hoặc cho thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản là ông Lê Đình Nam.

Kèm theo giấy đòi nợ là các tài liệu chứng minh về các khoản nợ. Hết thời hạn 30 ngày, Tòa án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ phá sản để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Về tình hình kinh doanh bán niên 2023, Đức Long Gia Lai ghi nhận doanh thu mức 511 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 34 tỷ đồng, có khởi sắc so với 6 tháng đầu 2022 lợi nhuận sau thuế là âm 361 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6, Đức Long Gia Lai có tổng tài sản hơn 5.701 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn là 1.501 tỷ đồng.

Nợ phải trả ở mức 4.568 tỷ đồng bao gồm nợ ngắn hạn 2.724 tỷ đồng và nợ dài hạn 1.844 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn lớn gấp 1,8 lần so với tài sản ngắn hạn.

Vốn chủ sở hữu ghi nhận ở mức 1.133 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu năm.

Trong khoảng 3 năm đổ lại đây, Đức Long Gia Lai hoạt động kinh doanh không mấy khởi sắc. Năm 2019 là năm đạt doanh thu cao nhất sau đó giảm dần qua các năm.

Lợi nhuận sau thuế các năm hầu hết ghi nhận con số âm, đỉnh điểm 2022 lỗ ròng hơn 1.100 tỷ đồng. Tới thời điểm 30/6 khoản lỗ lũy kế đã cán mức 2.042 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, trong báo cáo bán niên hợp nhất 2023 đã soát xét, ý kiến kiểm toán đưa ra kết luận ngoại trừ với báo cáo tài chính của Đức Long Gia Lai. Nguyên nhân do khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 1.200 tỷ đồng.

Phía Đức Long Gia Lai có giải trình về việc thanh lý, nhượng bán các tài sản để trả nợ cho các bên tín dụng trong giai đoạn từ 2023 tới 2025. Tuy nhiên, việc định giá các tài sản chưa đủ căn cứ có phù hợp với kế hoạch trả nợ hay không dẫn tới việc ảnh hưởng tới khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Trước đó, Kiểm toán cũng đưa ý kiến ngoại trừ với báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ năm 2022 về khoản phải thu về cho vay. Cụ thể, Công ty đã cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền hơn 422 tỷ đồng. Phía công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi theo thực tế tại thời điểm soát xét báo cáo năm 2022.

DLG.jpg
Thị giá cổ phiếu DLG thời gian gần đây

Trên thị trường chứng khoán, ngay sau khi có thông tin tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản với Đức Long Gia Lai, mã cổ phiếu DLG lập tức giảm sàn và bị bán tháo. Kết thúc phiên giao dịch 13/10 DLG tạm dừng chân ở mức 2.420 đồng/cổ phiếu, vốn hóa Đức Long Gia Lai còn 742 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm