Tổng công ty Đường sắt lại xin gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 800 tỷ đồng

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hỗ trợ khoản vay 800 tỷ đồng không tính lãi.
Tổng công ty Đường sắt lại xin gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 800 tỷ đồng

Mục đích là nhằm bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ Tổng công ty phải dừng hoạt động vì tác động của dịch COVID-19.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, mặc dù VNR đang thực hiện các giải pháp như siết chặt quản trị, giảm chi phí, bao gồm giảm lương trong điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn hiện nay nhưng năm 2020, Tổng công ty đã lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến năm 2021 lỗ thêm 942 tỷ đồng.

Do đó, đơn vị kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ đồng vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động, đồng thời đề nghị có chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động của Tổng công ty đang bị mất và thiếu việc làm.

Ngoài ra, VNR cũng đề xuất giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho năm 2021 và các năm tiếp theo; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong năm 2021.

Tổng công ty Đường sắt cũng kiến nghị ưu tiên cho 6.678 lao động tuyến đầu có nguy cơ cao bị lây nhiễm được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 sớm vì nếu những lao động này bị nhiễm bệnh và bị cách ly thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, làm gián đoạn công tác vận tải của ngành đường sắt.

Lãnh đạo Tổng Công ty cho biết, chiến dịch vận tải mùa hè từ tháng 5 đến hết tháng 8 là thời điểm ngành đường sắt tổ chức chạy tàu khách với số lượng lớn nhất trong năm để bù đắp cho các tháng thấp điểm. Tuy nhiên, năm nay, dịch COVID-19 bùng phát làm mất đi phần lớn sản lượng vận tải hành khách dịp hè, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu.

Khắc phục khó khăn trước mắt, VNR sẽ tăng cường triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, thu hút khách đi tàu và tạo thuận lợi cho hành khách muốn hủy hay trả vé; điều chỉnh giá vé theo từng cung chặng, giảm từ 12-30% giá vé tàu Thống Nhất và một số tàu địa phương theo diễn biến thực tế của dịch bệnh...

Bên cạnh đó, Tổng công ty theo dõi tình hình luồng khách, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch chạy tàu cũng như thành phần đoàn tàu nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh; rà soát đánh giá kết cấu vận chuyển hàng hóa, hành khách trong điều kiện vận tải hiện tại, xây dựng phương án tổ chức vận tải hàng hóa, hành khách phù hợp; giảm bớt tàu khách không hiệu quả, tăng cường chạy tàu hàng chuyên tuyến; nối xe hàng nguyên toa chạy suốt vào tàu khách tận dụng chiều dài đoàn tàu mà không ảnh hưởng tới chất lượng phục vụ đoàn tàu khách.

Với vận tải hàng hóa, do đã có sự chuyển đổi từ các năm trước nên từ đầu năm đến nay, mặc dù có bị ảnh hưởng của dịch nhưng sản lượng hàng hóa có tăng trưởng so với cùng kỳ. Tổng công ty đã chủ động xây dựng các biện pháp phòng chống dịch để duy trì chạy tàu hàng liên vận quốc tế, khai thông các nút thắt trong chính sách đường biên của Trung Quốc và tích cực tìm kiếm nguồn hàng mới vận chuyển trong nước nên doanh thu vận tải hàng hóa tăng 21% so với cùng kỳ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...