Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 4277/VPCP – TCCV đồng ý với Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) là chưa điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về lại Bộ GTVT quản lý.
Thủ tướng giao CMSC, Bộ GTVT, VNR và các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý các vướng mắc trong hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9 tháng 4 năm 2020 về phiên họp Chính phủ tháng 3 năm 2020.
Thủ tướng yêu cầu CMSC khẩn trương trình Đề án cơ cấu lại VNR tổng hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thời gian tới của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và đề xuất giải pháp phù hợp.
Trong các văn bản gửi Thủ tướng vào tháng 4/2020, cả Bộ GTVT và CMSC đều chưa muốn có sự thay đổi về cơ quan đại diện phần vốn Nhà nước tại VNR.
Tuy nhiên, để tránh lặp lại những vướng mắc liên quan đến việc giao dự toán chi ngân sách nhà nước cho bảo trì kết cấu cấu hạ tầng đường sắt như trong thời gian qua, Bộ GTVT đề nghị CMSC cần sớm rà soát trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNR, trong đó cần có sắp xếp cơ cấu bộ máy phù hợp với quy định pháp luật (Luật Đường sắt, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các nghị định liên quan) về bảo trì, khai thác cũng như sướm nghiên cứu tách bạch kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải.
Bộ GTVT cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành sớm rà soát điều chỉnh các quy định pháp luật trong việc quản lý, thực hiện bảo trì thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (Nghị định 11/2018/NĐ-CP ngày 16/1/2018 của Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNR, Nghị định 46/2018/NĐ-CP ngày 14/03/2018 Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và các thông tư hướng dẫn thực hiện).
VNR là một trong số 5 tổng công ty giao thông chuyển về CMSC từ tháng 11/2018. Năm 2019, doanh thu toàn VNR chỉ đạt 2.387 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 17,4 tỷ đồng và đang có xu hướng sụt giảm do không cạnh tranh nổi với đường bộ, hàng không về vận tải hành khách; đường biển và đường bộ về hàng hóa.