Tổng cục Du lịch sẽ "bào chữa" thế nào cho văn bản "xin" 400 vé máy bay?

Chỉ mới cách đây khoảng 01 tháng, Tổng cục Du lịch đã phải hủy đi một văn bản do có nhiều yếu tố không phù hợp. Và việc hình thành các điều khoản "gây bão" này được Tổng cục Du lịch lý giải là do tình thế "gấp gáp".

Tại cuộc gặp báo chí sáng nay (4/6), ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cho biết, Thứ trưởng Lê Quang Tùng đã yêu cầu Tổng cục Du lịch phải thực hiện các yêu cầu trên; báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 6/6.

"Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng cục Du lịch đã nhận trách nhiệm và xin lỗi ba hãng hàng không được yêu cầu cung cấp vé máy bay, vì văn bản chưa phù hợp", ông Bình nói. 

Giải thích về việc ban hành văn bản gây nhiều tranh cãi này, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết nhiều năm qua, Tổng cục Du lịch đã có sự hợp tác chặt chẽ với các hãng hàng không để phối hợp các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch.

Theo đó, Tổng cục Du lịch sẽ chủ trì các hoạt động xúc tiến, các hãng hàng không cung cấp vé máy bay, ấn phẩm, giải thưởng… "Năm 2020, sự hợp tác tập trung vào xúc tiến, kích cầu nội địa và theo kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020, một loạt chương trình phối hợp giữa các bên sẽ được thực hiện", ông Phúc nói.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết thêm công văn 167 là cơ sở triển khai các chương trình hợp tác các nội dung đã được thống nhất giữa Tổng cục Du lịch với các hãng. "Tuy nhiên, về hình thức văn bản, Tổng cục Du lịch thấy chưa phù hợp. Chúng tôi sẽ thu thồi văn bản này", ông Phúc khẳng định.

Văn bản số 167/TCDL-TTDL ngày 2/6/2020 gửi tới các hãng hàng không do Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu ký yêu cầu các hãng hàng không cung cấp 400 vé máy bay để các đoàn công tác của đơn vị này di chuyển đến các địa điểm trong nước, triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa; thời gian từ tháng 6 đến tháng 12/2020 không phải là văn bản đầu tiên "gây bão" của Tổng cục Du lịch.

Trước đó, hồi cuối tháng 4, đơn vị này đã ra văn bản cấm du khách không được chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã gây ra nhiều tranh cãi. Bởi văn bản này được cho là trái với quy định tại Hiến pháp 2013 (điều 25) và Luật Tiếp cận thông tin (từ điều 1 đến điều 16) có hiệu lực từ năm 2018. Do đó, chỉ 2 ngày sau, Tổng cục Du lịch đã phải ban hành một văn bản khác thay thế. Để "bào chữa" cho việc thu hồi này, Tổng cục Du lịch cho biết: vì “trong tình gấp gáp” nên “có chút sơ suất”.

Vậy không biết, để tiếp tục bào chữa cho lần thu hồi văn bản này, Tổng cục Du lịch có tiếp tục đổi lỗi cho yếu tố khách quan và sự gấp gáp khi phải nhanh chóng phối hợp với nhiều đơn vị liên quan để kích cầu du lịch, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là khi thời gian chuẩn bị văn bản giải trình để báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch chỉ còn có 2 ngày nữa? 

Có thể bạn quan tâm