Tổng lực hiện thực hóa lợi ích từ mô hình kinh tế mới

Chiều 6/10, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam (Vietnam New Economy 2023) với chủ đề: “Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững”...

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế xã hội nói chung, và trong tăng trưởng kinh tế nói riêng.

Điển hình nhất là việc kinh tế tăng trưởng dương được duy trì trong nhiều thập niên, thậm chí còn ở mức tương đối cao trong nhiều giai đoạn, chẳng hạn như giai đoạn 2016-2019 với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt tới 6,8%/năm.

Không những vậy, ngay cả trong thời kỳ khó khăn do dịch Covid-19 và hệ lụy của các biện pháp phòng chống dịch ở trong nước và nhiều thị trường đối tác, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương, và phục hồi đạt mức 8,02% vào năm 2022.

Viện trưởng CIEM cho rằng, trên nền tảng ấy, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững ở Việt Nam luôn là một yêu cầu thường trực và hợp lý. Theo bà, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và năm 2045, Việt Nam nhìn nhận duy trì tăng trưởng kinh tế cao và liên tục là một điều kiện tiên quyết.

Để làm được điều đó, Việt Nam đã và đang nhìn thẳng vào những vấn đề khó khăn của nền kinh tế, giải trình hiệu quả các nội dung liên quan như kết quả tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm, hay các định hướng, giải pháp nhằm kích thích tổng cầu...

“Công thức điều hành hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho các cải cách nền tảng kinh tế vi mô (môi trường kinh doanh, cạnh tranh) cũng đã hình thành và được thực hiện bài bản trong nhiều năm qua", bà Minh nhấn mạnh.

Mặc dù thành tựu là vậy nhưng không thể phủ nhận rằng Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ bức tranh đầy màu xám của kinh tế thế giới hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, những biến động lớn của thế giới cùng với thách thức từ biến đổi khí hậu, gia tăng nhiệt độ toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia phải đẩy nhanh đổi mới mô hình tăng trưởng, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm. Trong đó, các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang thể hiện vai trò tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững của các nền kinh tế trên thế giới.

Lấy dẫn chứng về những tiềm năng to lớn từ các mô hình kinh tế mới đem lại cho các quốc gia, khu vực trên thế giới, ông Trung cho biết, tại Mỹ, kinh tế xanh đã tạo việc làm cho 9,5 triệu lao động, đóng góp trên 7% GDP, tương đương 1,3 nghìn tỷ USD/năm.

Trong khi đó, tại các nước OECD, con số tương ứng là 17,5 triệu lao động và 12% GDP, tương đương 2,9 nghìn tỷ USD/năm.

Còn đối với Việt Nam, theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á” năm 2021, nền kinh tế số Việt Nam có trị giá khoảng 21 tỷ USD, cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự đoán đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế mới đã được Chính phủ đề cập trong nhiều văn bản, nghị quyết, chính sách quan trọng của Việt Nam.

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021 - 2030) Việt Nam đã xác định quan điểm là phải đổi mới tư duy hành động, chủ động và nắm bắt kịp thời hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để gắn với quá trình hội nhập quốc tế. Qua đó, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng cạnh tranh của Việt Nam.

"Việt Nam đã có nhiều định hướng về kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm tạo ra không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, gắn kết và sát thực tế. Do đó, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể để đồng bộ các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế mới", ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn là lễ khai mạc chương trình 20 năm Thương hiệu mạnh Việt Nam (2003 – 2023), công bố và vinh danh Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2022-2023 đã được diễn ra.

Theo ban tổ chức, năm 2023, chương trình vinh danh doanh nghiệp theo các hạng mục: Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022-2023; Top 10 Thương hiệu mạnh - kinh doanh xuất sắc 2022-2023; Top 10 Thương hiệu mạnh - Tăng trưởng ấn tượng 2022-2023; Top 10 Thương hiệu mạnh - Tiên phong đổi mới sáng tạo 2022-2023; Top 10 Thương hiệu mạnh - Tăng trưởng xanh 2022-2023; Top Thương hiệu mạnh - Phát triển bền vững 2022-2023.

Có thể bạn quan tâm