TP. HCM lại xin lùi thời gian hoàn thành tuyến metro số 1 đến quý IV/2023

UBND TP. HCM xin điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) là cuối quý IV/2023. Theo UBND TP. HCM, việc chậm hoàn thành tuyến metro số 1 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 2 năm qua.
TP. HCM lại xin lùi thời gian hoàn thành tuyến metro số 1 đến quý IV/2023

Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản gửi Bộ Kế hoạch – Đầu tư về việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).

UBND thành phố xác định thời gian hoàn thành thi công là cuối quý IV/2023. Thời gian kết thúc dự án là từ năm 2024 – 2028, trong đó thời gian bảo hành công trình là từ 2024 đến hết năm 2025, thời gian hỗ trợ vận hành và bảo dưỡng là từ 2024 đến hết năm 2028.

Như vậy, so với  quyết định điều chỉnh 4856/QĐ-UBND năm 2019 của UBND TP. HCM, thời gian hoàn thành metro số 1 kéo dài thêm 2 năm.

Theo lý giải của UBND TP. HCM, việc chậm hoàn thành tuyến metro số 1 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 2 năm qua.

Năm 2020 khi Covid-19 bùng phát, việc thi công ở công trình gặp nhiều khó khăn trong huy động nhân sự. Nhân lực trên công trường sụt giảm nặng nề do các biện pháp giãn cách, công nhân trong khu phong tỏa không thể đi làm; việc hạn chế đi lại giữa các địa phương có dịch...

Ngoài ra, nhiều chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh khiến tiến độ các gói thầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là những hạng mục phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao,… 

Bên cạnh đó, việc chậm ký kết phụ lục hợp đồng số 19 (hợp đồng tư vấn chung) đã ảnh hưởng đến nhiều đầu việc quan trọng của tuyến metro số 1 như: tư vấn; đào tạo lái tàu, nhân viên điều độ, trưởng ga; lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin...

Ngoài ra, dự án metro số 1 liên quan đến nhiều lĩnh vực, triển khai đầu tiên tại Việt Nam, thực hiện các quy định hợp đồng nước ngoài và trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh các quy định pháp luật Việt Nam. Do đó, cần phải rà soát thận trọng các bước thực hiện, đảm bảo việc tuân thủ các quy định trong nước, tuân thủ quy định điều ước quốc tế và thỏa thuận vay vốn.

UBND TP. HCM đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét trình Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận chủ trương cho phép UBND thành phố tiến hành thủ tục và phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án metro 1.

Sau khi Thủ tướng chấp thuận chủ trương, UBND TP sẽ chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ trình hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án do TP thành lập để tiến hành thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh theo quy định. 

Mới đây, UBND TP. HCM đã phê duyệt dự toán phụ lục hợp đồng số 19 trị giá khoảng 1.670 tỷ đồng và Ban quản lý đường sắt đô thị TP. HCM đang thương thảo để ký với liên danh NJPT (nhà thầu tư vấn cho metro số 1).

Công tác nghiệm thu, thử nghiệm theo các tiêu chuẩn nước ngoài trong khi chưa có các tiêu chuẩn tương đương ở Việt Nam mất nhiều thời gian. Công tác chuẩn bị cho việc đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống cho việc vận hành tuyến metro số 1 gặp nhiều thay đổi về quy định pháp lý và các hướng dẫn từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền,…

Khởi công năm 2012, dự án metro số 1 ban đầu có tổng mức đầu tư khoảng 17.388 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên thành 43.700 tỷ đồng. Công trình dài gần 20 km từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (thành phố Thủ Đức), với 3 ga ngầm, 11 ga trên cao.

Khi hoàn thành, dự kiến mỗi ngày, metro số 1 chạy 300 chuyến tàu, mỗi đoàn tàu 3 toa chở khoảng 930 khách. Chuyến đầu tiên xuất phát lúc 5h, chuyến cuối cùng lúc 23h.

Xem thêm

TP. HCM sẽ có 10 khu đô thị dọc tuyến Metro số 1

TP. HCM sẽ có 10 khu đô thị dọc tuyến Metro số 1

Sắp tới, dọc tuyến xa lộ Hà Nội dự kiến phát triển các khu đô thị mới với mật độ dân cư đông, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Tuyến Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP. HCM có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...