Vi phạm tràn lan…
Theo số liệu của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh, năm 2016, chi cục đã kiểm tra 103 trường hợp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón; xử phạt vi phạm hành chính gần 2,5 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng của 24 quận, huyện đã kiểm tra 56 cơ sở sản xuất phân bón, phát hiện 20 cơ sở sản xuất trái phép.
Riêng với huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch huyện - cho biết, năm 2016, Bình Chánh đã kiểm tra 44 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, phát hiện 10 cơ sở sản xuất không giấy phép, 8/15 cơ sở sản xuất có giấy phép nhưng vi phạm về hợp quy, quy trình vận hành sản xuất, gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, huyện đã xử lý vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng, tịch thu 1.700kg phân bón vô cơ, buộc tái chế trên 52.000kg phân bón vô cơ, 196 thùng phân bón lá, 5.000kg phân bón hữu cơ...
Cũng theo lãnh đạo huyện, trong 10 cơ sơ sản xuất phân bón trái phép, hầu hết các cơ sở vi phạm nghiêm trọng. Tiêu biểu, nhiều chi nhánh của Công ty TNHH sản xuất thương mại Thuận Nông Phát (Ấp 2, xã Tân Nhựt) sản xuất phân bón nhưng không có giấy phép, chưa xuất trình được số đăng ký chứa nguồn thải… Hay như tại Chi nhánh Công ty TNHH MTV Phân bón Phú Định (xã Lê Minh Xuân), cơ quan chức năng đã phát hiện 1.286 bao hàng hóa ngoại nhập không có hóa đơn chứng từ.
… Vì “thuốc chữa” chưa hiệu quả!
Theo Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh Phan Anh Minh, hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn thành phố đang diễn ra hết sức phức tạp và phát sinh nhiều hệ lụy. Thực tế cho thấy, khả năng phát sinh vi phạm ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng thẩm quyền làm biên bản, xử lý khó hoặc không đúng thẩm quyền. Bên cạnh đó, công tác khởi tố các hành vi liên quan đến phân bón giả có vụ làm được và có vụ không. Theo quy định, chỉ xử lý hình sự khi sản lượng phân bón giả lớn (trị giá 30 triệu đồng trở lên). Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở sản xuất phân bón giả đều mang đi tiêu thụ ngay. Do đó, nếu cơ quan chức năng có bắt quả tang thì số lượng chỉ ở mức nhỏ và bị phạt hành chính.
Nhằm khắc phục thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đề nghị các quận, huyện trong thời gian tới phải dựa vào đặc thù của mỗi địa bàn để đưa ra các kế hoạch thực hiện cụ thể, trong trường hợp để xảy ra sai phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố. Đặc biệt, đã đến lúc phải tổ chức truy xuất nguồn gốc phân bón như thực phẩm để người dân trực tiếp kiểm tra. “Có làm như vậy thì sản phẩm giả, không có nguồn gốc sẽ khó tồn tại”- ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.
Theo Công thương
>> 50% cơ sở sản xuất phân bón tại TP.HCM không có giấy phép