UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Tài chính về tình hình giải ngân nguồn đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, lũy kế giải ngân các dự án ODA của TP.HCM chưa cao; tính đến đến ngày 11/6/2021 các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ tại TP.HCM được Kho bạc Nhà nước xác nhận khối lượng hoàn thành là 1.329,442 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 10,2% kế hoạch vốn. Về giá trị giải ngân thực tế, đến ngày 11/6, đã giải ngân là 435,437 tỷ đồng.
Theo lý giải của UBND TP.HCM, nguyên nhân một số dự án đã hết thời hạn hiệp định đang thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện; cũng như bị chậm về tiến độ thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở và quy hoạch 1/500 như: Dự án vệ sinh môi trường thành phố - giai đoạn 2; dự án giảm thất thoát nước, tăng cường mở rộng mạng lưới cấp nước và tăng cường thể chế cho Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn.
Trong khi đó, một số dự án đang trình Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thủ tục đàm phán ký kết thỏa thuận vay bổ sung vốn như: Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, xây dựng tuyến metro số 1, xây dựng tuyến metro 2.
Hay một số dự án bị vướng mắc trong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn Q.3 dẫn đến tình trạng chậm bàn giao mặt bằng phục vụ cho công tác thi công tuyến metro 2.
Một nguyên nhân khác dẫn đến việc giải ngân vốn ODA chưa cao là do chủ dự án chậm ký kết phụ lục hợp đồng triển khai thực hiện dự án, đơn cử như dự án xây dựng tuyến metro số 1.
Do đó, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ODA cũng như tranh thủ vận động nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ để đầu tư phát triển, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm và tiếp tục hỗ trợ thành phố trong việc vận động nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cho các dự án ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông và môi trường có quy mô đầu tư lớn như dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát dự kiến sử dụng vốn vay ADB.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính sớm ký kết thỏa thuận với JICA, làm cơ sở cho TP.HCM ký hợp đồng vay lại để giải ngân cho dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2.