Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố phải tập trung hoàn thành các chỉ tiêu tín dụng được giao hàng năm; đẩy mạnh tuyên truyền việc sử dụng vốn vay và nhân rộng các mô hình vay vốn sản xuất kinh doanh hiệu quả, các cá nhân điển hình vượt nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi; không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng tín dụng, kiểm soát tỷ lệ nợ quá hạn ở mức an toàn.
Đồng thời, tăng cường tạo lập nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay quỹ xóa đói giảm nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách xã hội của người nghèo; quản lý và sử dụng các nguồn vốn cho vay đạt hiệu quả, an toàn, góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận, huyện và các đơn vị nhận ủy thác…
Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần hướng dẫn UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn định kỳ bổ sung đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; sớm triển khai cho vay ngay từ đầu năm 2020; tham mưu giải pháp, phương án thực hiện cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đối với các hộ dân đang sinh sống tại các phường thuộc quận còn sản xuất nông nghiệp và các thị trấn thuộc 5 huyện ngoại thành của thành phố không thuộc chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Trung ương.
Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu, lựa chọn cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, các chương trình chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư... cho các hộ vay vốn, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội.
Riêng, UBND các quận, huyện có trách nhiệm thực hiện tốt việc bố trí nguồn lực tín dụng chính sách xã hội gắn với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, phát triển giáo dục - đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm để giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Ngoài ra, theo kế hoạch của UBND TP.HCM, trong quý 1 hàng năm, cần bố trí nguồn vốn từ ngân sách cho Ban giảm nghèo quận, huyện để ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo.
Cụ thể, từ năm 2020 những quận, huyện có mức thu ngân sách nhà nước năm trước trên 1.000 tỷ đồng, thực hiện ủy thác tối thiểu 3 tỷ đồng/năm; quận, huyện có mức thu ngân sách nhà nước năm trước từ dưới 1.000 tỷ đồng, thực hiện ủy thác tối thiểu 2 tỷ đồng/năm; riêng huyện Cần Giờ, thành phố khuyến khích tăng thu, tiết kiệm chi để có nguồn vốn ủy thác tối thiểu 0,5 tỷ đồng/năm.