Từ đầu tháng 8 đến nay, thông tin Honda CR-V giảm giá ngập tràn trên các phương tiện truyền thông, trang mạng hay các fanpage lớn. Thông tin này đặc biệt thu hút sự quan tâm khi mức giá CR-V 2.0L chỉ khoảng 730-750 triệu và chưa đến 900 triệu cho phiên bản đắt nhất 2.4 TG tại các đại lý. Tính ra, mỗi phiên bản CR-V đã giảm đến gần 200 triệu đồng trong khoảng một tháng.
Tuy là tháng “cô hồn”, nhưng giá bán công bố thấp chưa từng có của CR-V đã khiến các showroom ở trong tình trạng đông bất thường vì người có nhu cầu mua xe và đến khảo giá quá đông. Ước tính trung bình, mỗi đại lý của Honda chỉ đón 1-2 khách/ngày, nay thì gấp đôi gấp ba.
Nhưng không ít trường hợp đã đặt cọc mua xe của Honda đã không không nhận được xe như mong muốn. Bằng rất nhiều các lý do các showroom Honda đưa ra như: Hết xe, không còn xe để giao, hoặc muốn được nhận xe thì khách phải.... thêm 50 triệu tiền phụ kiện… và đa phần khách hàng đều nhận được thông báo có thể thêm tiền để mua các dòng xe cao cấp hơn. Hiện tại, nhiều showroom đã thông báo chỉ còn bán phiên bản CR-V 2.4 TG (bản đắt nhất).
Đơn cử như trường hợp của anh Vũ Khắc Ngọc ở Hai Bà Trưng Hà Nội đã đặt cọc mua xe ở Honda Long Biên vào ngày 4/9 và được hẹn đến ngày 29/9 sẽ bàn giao xe. Tuy nhiên sau đó phía Honda Long Biên đã gọi điện thông báo: “Không có xe để bàn giao, mời anh sang nhận lại cọc hoặc là chờ bản CRV mới sẽ ra mắt vào tháng 11/2017, dự kiến giao xe vào quý I năm 2018 với giá dự kiến 960 triệu”.
Trớ trêu hơn là trường hợp khách hàng tên Thúy sống tại Quảng Ninh lặn lội đến Hà Nội đặt cọc ký Hợp đồng ngày 5/9 hẹn trong tháng 9 lấy xe. Ngày 11 /9 , chị Thúy gom góp tiền mang từ Quảng Ninh lên Hà Nội để nhận xe. Nhưng lên đến nơi chị chưng hửng khi nhận được câu trả lời "hết xe trả lại cọc". Bất chấp sự bức xúc khiếu nại của chị Thúy nhưng sự việc vẫn không được giải quyết.
Trong 7 tháng đầu năm, doanh số bán ôtô của Honda đạt mức 6.570 xe, trung bình một tháng bán khoảng 940 xe. Dòng xe CR-V đạt tổng doanh số 1.771 xe, trung bình mỗi tháng bán khoảng 253 xe. Trong khi đó đối thủ cạnh tranh trong phân khúc là Mazda CX-5, trung bình bán 623 xe/tháng. Có lẽ doanh số này thấp hơn nhiều so với đối thủ cùng phân khúc nên Honda đã tung ra “chiêu trò” này để hút khách. Nhưng với cách hành xử lừa dối khách hàng thì có lẽ cái Honda và các showroom nhận lại được là uy tín giảm sút nghiêm trọng trong mắt người tiêu dùng.
Liệu rằng có bao nhiêu Honda CR-V giảm giá đã được bán ra hay đây chỉ là chiêu trò câu khách của Honda và các showroom? Quyền lợi của những khách hàng đã đặt cọc mua xe sẽ được giải quyết như thế nào? Nhưng có thể khẳng định niềm tin của khách hàng và uy tín của Honda đã giảm rõ rệt qua sự việc vừa rồi. Việc làm trên của Honda rất dễ gây ra tác dụng ngược, người tiêu dùng có lẽ sẽ tìm đến các thương hiệu cùng phân khúc đang rất được ưa chuộng trên thị trường hơn là lựa chọn Honda CR-V.
Điều đáng nói, mặc dù các showroom thông báo là hết xe nhưng đến sáng14/9 anh Ngọc và anh Nam vẫn nhận được lời mời chào từ các nhân viên bán hàng của các Showroom Honda Giải Phóng mua CR-V 2.4 TG với giá 930 triệu đồng, chênh 70 triệu đồng so với giá bán trong đợt giảm giá.
Sau sự cố bị "bội ước" khi đặt cọc mua CR-V "đại hạ giá" ở Việt Nam, anh Ngọc, anh Nam mong muốn cơ quan chức năng bảo vệ người tiêu dùng cũng như những khách hàng đã kí hợp đồng mà không được nhận xe cùng chung tay làm rõ vấn đề này từ phía Honda Việt Nam.
Đồng thời các anh cũng đặt ra câu hỏi: Liệu đây có phải là chiêu trò của Honda Việt Nam để lôi kéo khách hàng cho CR-V 2018, hay đơn giản là phương thức để Honda xả hàng tồn, chuẩn bị cho việc ra mắt các mẫu mới. Câu hỏi ấy, chỉ có Honda mới có câu trả lời chính xác. Nhưng với cách bán hàng coi thường khách hàng như vừa qua, chắc chắn hình ảnh của hãng xe này sẽ xấu đi rất nhiều trong mắt khách hàng?
Theo quy định Khoản 2 Điều 138 bộ luật Dân sự 2015: “Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. |