Triển khai 5G, ngành công nghiệp bán dẫn và những điểm nhấn của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2023

Việc tổ chức xác định mức thu với các băng tần để kích hoạt quá trình đấu giá cấp quyền sử dụng tần số cho 4G và 5G là bước quan trọng để thúc đẩy phát triển mạng di động 5G tại Việt Nam…

anh-man-hinh-2023-12-25-luc-155930-5922.png
Việt Nam sẽ chính thức thương mại hóa 5G vào đầu năm 2024

Bộ Thông tin và Truyền thông đang đẩy mạnh triển khai các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc tắt sóng 2G, triển khai 5G, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động và phát triển công nghiệp bán dẫn...

TẮT SÓNG 2G

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông từ tháng 9/2024, Bộ sẽ tắt sóng công nghệ 2G để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Hiện nay, cả nước còn khoảng 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động. Các nhà mạng đang triển khai lộ trình tắt sóng dần mạng này.

"Đến năm 2030, định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ bắt đầu công nghệ 6G. Vì vậy, các điện thoại công nghệ 2G sẽ không còn được sử dụng, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường", ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết.

Để việc tắt sóng được diễn ra đúng kế hoạch lộ trình, cũng như không gây ảnh hưởng đến việc liên lạc của người dân, các doanh nghiệp viễn thông đang ráo riết triển khai chiến dịch hỗ trợ thuê bao 2G chuyển lên mạng 4G.

anh-man-hinh-2023-12-25-luc-162233-7023.png
Hiện nay, cả nước còn khoảng 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động

Viettel cho biết, thời gian qua không chỉ lên kế hoạch tắt sóng 2G theo chủ trương của Bộ, mà còn chủ động tắt sóng 3G trên diện rộng, đối với những khu vực thuê bao đã dịch chuyển lên 4G (ngay từ năm 2022) để tập trung cho phát triển 4G và 5G. Viettel cũng triển khai nhiều hoạt động trợ giúp các thuê bao 2G chuyển lên dùng các mạng 4G, như trợ giá thiết bị di động, tặng SIM và gói cước khuyến mãi…

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã chủ động kế hoạch tắt dần các trạm 2G có thuê bao và lưu lượng thấp để tối ưu công tác vận hành, khai thác mạng lưới ngay từ năm 2021.

Nhà mạng MobiFone cũng bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ giá kèm gói ưu đãi data cho khách hàng đang sử dụng điện thoại 2G chuyển sang dùng điện thoại 4G áp dụng tại khu vực TP.HCM.

Để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong lộ trình tắt sóng 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông còn triển khai chính sách cho những người ở vùng sâu, vùng xa, những đối tượng được sử dụng dịch vụ viễn thông công ích. Cụ thể mỗi hộ gia đình được hỗ trợ một máy tính bảng hoặc hỗ trợ một phần chi phí trang bị một điện thoại thông minh để sử dụng với hệ thống sóng mạng mới.

TRIỂN KHAI MẠNG 5G

Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai thử nghiệm mạng 5G tại một số địa phương và dự kiến, các nhà mạng sẽ triển khai 5G trong năm 2024.

Bộ đã ký quyết định về việc tổ chức xác định mức thu với các băng tần để kích hoạt quá trình đấu giá cấp quyền sử dụng tần số cho 4G và 5G. Theo đó, các băng tần 700 MHz (703-733 MHz và 758-788 MHz), 2600 MHz (2500-2600 MHz), 3700 MHz (3560-4000 MHz) sẽ được đem đấu giá.

Cục Tần số Vô tuyến điện cho rằng, đây là bước đầu tiên kích hoạt quá trình triển khai đấu giá để cấp quyền sử dụng tần số các băng tần này cho 4G và 5G tại Việt Nam.

Đối với công nghệ 6G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy phát triển 6G.

CHUẨN HOÁ THÔNG TIN THUÊ BAO DI ĐỘNG

Từ 31/3/2023, Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng cương quyết dừng hoạt động của các thuê bao (SIM điện thoại) có thông tin không chính xác.

Theo đó, Cục Viễn thông, qua đối soát thông tin trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tính đến 31/3 có khoảng 3,84 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp giữa Cơ sở dữ liệu tại doanh nghiệp di động và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sau 2 tháng, đến ngày 15/5, trong tổng số 3,84 triệu thuê bao di động cần phải chuẩn hóa thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã có hơn 2,8 triệu thuê bao (chiếm 74,21%) đã thực hiện chuẩn hóa theo quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn hơn 985.000 thuê bao (chiếm 25,79%) chưa chuẩn hoá thông tin đối chiếu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các thuê bao này đã bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông, thu hồi số thuê bao.

CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN - NGÀNH TRĂM TỶ USD

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam sẽ đi trong một hệ sinh thái, không đi một mình. Kết hợp FDI (nhưng thu hút các công đoạn có giá trị gia tăng cao) và tự lực Việt Nam ở một số công đoạn trong chuỗi công nghiệp bán dẫn (thiết kế, kiểm thử, đóng gói). Kết hợp phát triển bán dẫn, vi mạch và phát triển thiết bị điện tử, nhất là IoT.

“Thế mạnh người Việt Nam là người Việt Nam, người Việt Nam học giỏi và chăm học, rất phù hợp thiết kế chip, và sẽ coi đây là thế mạnh trọng tâm. Hạ tầng quan trọng mà nhà nước cần đầu tư cho phát triển công nghiệp bán dẫn là hệ thống các phòng thí nghiệm hàng đầu và giao cho đại học vận hành, khai thác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

22-9c2c-5893.jpg
Bộ Thông tin và Truyền thông đang chuẩn bị trình Chính phủ Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024 cũng là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược Quốc gia về Phát triển Công nghiệp Bán dẫn. Bộ trưởng Hùng cho rằng, công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, và không chỉ có vậy đó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới.

Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam sẽ tăng trưởng lên 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 6,5%. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang phải đối mặt với một số thách thức, trong đó thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao là một trong những rào cản lớn nhất.

Theo người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40 - 50%. Trong đó, riêng ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm, công nghệ số, nhất là AI đã qua giai đoạn nghiên cứu, khám phá, đã bước vào giai đoạn ứng dụng, thực hành. Giai đoạn khám phá thì cần tinh hoa. Giai đoạn ứng dụng thì cần nhiều kỹ sư ứng dụng, đây cũng chính là giai đoạn mang lại nhiều giá trị nhất cho một quốc gia, nhất là một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

VI PHẠM CỦA TIKTOK

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2023, các vi phạm của TikTok tại Việt Nam là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong 3 năm vừa qua, Tiktok đã phát triển rất mạnh với số lượng người dùng tăng nhanh tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên sự phát triển này lại không đi đôi với trách nhiệm quản lý giữ gìn nền tảng an toàn, lành mạnh với người dùng.

sonr9651-1063-9459.jpg
TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền

“Qua kiểm tra cho thấy, quy trình kiểm duyệt nội dung trên nền tảng TikTok chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Cách thức phân phối, đề xuất nội dung dựa trên sự tương tác, sở thích, sự quan tâm của người dùng dễ dẫn đến việc nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam được lan truyền với tốc độ nhanh chóng nếu được nhiều người dùng tương tác, quan tâm”, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.

Nền tảng này cũng không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em…

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin cho biết thêm, TikTok vẫn chưa áp dụng chính sách bảo vệ nội dung có bản quyền của người dùng. Chưa thông báo đầu mối liên lạc về vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan tới Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Theo một báo cáo mới đây từ Bloomberg, các nhà chức trách tại Trung Quốc đang cân nhắc về khả năng bán TikTok Mỹ cho tỷ phú Elon Musk…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Gần 2 triệu thiết bị Masstel bán ra, Masscom hỗ trợ người dân dễ dàng chuyển đổi số

Gần 2 triệu thiết bị Masstel bán ra, Masscom hỗ trợ người dân dễ dàng chuyển đổi số

Công ty Cổ phần Masscom Việt Nam công bố những kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024 khi tăng trưởng vượt mục tiêu 20% với hàng triệu sản phẩm được bán ra, trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong công nghệ di động, giải pháp công nghệ giáo dục và sản phẩm công nghệ trẻ em…