3 băng tần chuẩn bị đấu giá cho triển khai 4G và 5G tại Việt Nam

Đây là bước đầu tiên kích hoạt quá trình triển khai đấu giá để cấp quyền sử dụng tần số các băng tần này cho 4G và 5G tại Việt Nam…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Các băng tần 700 MHz, 2600 MHz và 3700 MHz chuẩn bị đấu giá cho triển khai 4G và 5G tại Việt Nam.
Các băng tần 700 MHz, 2600 MHz và 3700 MHz chuẩn bị đấu giá cho triển khai 4G và 5G tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký quyết định về việc tổ chức xác định mức thu cơ sở đối với các băng tần 700 MHz (703-733 MHz và 758-788 MHz), 2600 MHz (2500-2600 MHz), 3700 MHz (3560-4000 MHz).

Bộ trưởng giao Cục Tần số vô tuyến điện lựa chọn tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá xác định mức thu cơ sở đối với các băng tần 703-733 MHz và 758-788 MHz, 2500-2600 MHz, 3560-4000 MHz; trên cơ sở kết quả do tổ chức thẩm định giá xác định.

Tại Việt Nam, băng tần 700 MHz trước đây chủ yếu được sử dụng cho hệ thống truyền hình tương tự mặt đất. Tuy vậy, hệ thống này đã được thay thế bởi truyền hình số mặt đất theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.

Ngày 28/12/2020, Việt Nam đã chính thức ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trên cả nước và băng tần 700 MHz đã được giải phóng để sẵn sàng cho triển khai hệ thống thông tin di động IMT.

Ngày 25/12/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BTTTT, quy hoạch băng tần 694-806 MHz cho hệ thống thông tin di động của Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16/02/2020. Theo đó, băng tần 694-806 MHz được quy hoạch cho triển khai các hệ thống thông tin di động IMT theo tiêu chuẩn IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo. Băng tần 700 MHz được quy hoạch 3 khối song công phân chia theo tần số, mỗi khối có độ rộng 10 MHz.

Việc ban hành Quy hoạch băng tần 700 MHz cho thông tin di động IMT được đánh giá là đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp viễn thông và mang lại những tác động tích cực đến xã hội: “Doanh nghiệp có định hướng để xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị, phát triển hạ tầng; cơ quan quản lý có cơ sở để tiến hành đấu giá và cấp phép sử dụng băng tần 700 MHz; mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân khi dịch vụ thông tin di động 4G/5G được phát triển, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, miền núi”, Cục Tần số vô tuyến điện cho biết.

Ngày 20/8/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BTTTT, quy hoạch băng tần 2300-2400 MHz và băng tần 2500-2690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam. Theo đó, băng tần 2500-2690 MHz được quy hoạch cho triển khai các hệ thống thông tin di động IMT theo tiêu chuẩn IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo.

Các doanh nghiệp được cấp phép sử dụng tần số trong cùng băng tần 2500-2690 MHz có trách nhiệm phối hợp với nhau để tránh can nhiễu có hại, đồng bộ về khung dữ liệu của phương thức TDD và thực hiện theo các quy định của giấy phép sử dụng băng tần. Hiện nay, băng tần 2500-2600 MHz đã sẵn sàng để cấp phép chính thức cho các nhà mạng triển khai 4G/5G trên toàn quốc.

Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, phổ tần số vô tuyến điện quốc gia đã quy hoạch băng tần 3400-4200 MHz cho các nghiệp vụ Di động, Cố định, Cố định qua vệ tinh (đường xuống từ vệ tinh) và Vô tuyến định vị (radar), trong đó băng tần 3560-4000 MHz được xác định cho hệ thống IMT.

Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia cũng quy định các hệ thống thuộc nghiệp vụ cố định qua vệ tinh nằm trong băng tần 3400-3560 MHz đường xuống (chiều từ vũ trụ tới trái đất) cần có các bộ lọc thu đạt tiêu chuẩn về lọc các tín hiệu ngoài băng.

Lượng tần số mới được bổ sung sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ “đảm bảo tần số cho di động băng thông siêu rộng và phổ cập”, góp phần hoàn thành sứ mệnh của ngành viễn thông trong giai đoạn mới sắp tới về “Xây dựng hạ tầng số hiện đại, bao gồm hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, mở, thông minh và an toàn”.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị di động thế giới (GSA) về hệ sinh thái thiết bị 5G, băng tần 3,5 GHz (n77/n78) là băng tần 5G có hệ sinh thái lớn nhất. Tính đến tháng 1/2023 đã có khoảng gần 1.000 mẫu thiết bị đầu cuối được công bố hỗ trợ băng tần 3,5 GHz trong tổng số hơn 1.400 mẫu thiết bị đầu cuối 5G.

Có thể bạn quan tâm