Triển vọng kinh tế Việt Nam: Cải cách là lựa chọn duy nhất

Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong 3 – 5 năm tới. Tuy nhiên, triển vọng về trung hạn và dài hạn thì còn phụ thuộc vào tiến độ thực hiện cải cách. “Cải cách là lựa chọn duy nhất và chúng ta khô

Việt Nam có nhiều lợi thế trong khu vực

Tại cuộc hội thảo về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2017 mới đây, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải nhận định, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn với nhiều lợi thế.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra nhưng theo ông Phạm Hồng Hải, kết quả đạt được là tích cực. Bức tranh kinh tế 3 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng báo hiệu sự khả quan, dù mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay được đánh giá là khá khó khăn. Lạm phát có dấu hiệu trở lại nhưng không phải là quan ngại quá lớn, chủ yếu do chi phí y tế, giáo dục tăng. Với nhiều hiệp định thương mại tự do đã ký kết với EU, Hàn Quốc, ASEAN, Việt Nam không chỉ là thị trường tiêu dùng lớn và tiềm năng mà còn có thể trở thành trung tâm sản xuất của khu vực.

"Tuy nhiên, ổn định kinh tế vẫn nên là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong tương lai, để có sự phát triển vững chắc", ông Phạm Hồng Hải đánh giá.

Năm 2017 Việt Nam cũng có nguy cơ đối mặt với một số rủi ro chính về ngân hàng, thương mại, trong đó có tác động từ cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia khác, đặc biệt sức ép đến từ diễn biến thị trường Trung Quốc.

Còn theo ông Kim Eng Tan, Giám đốc cấp cao Sovereign & International Public Finance Ratings, Việt Nam được hưởng lợi trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực có sự bất ổn chính trị. Cùng là các nước đang phát triển, nhưng Việt Nam có lợi thế là môi trường chính trị ổn định, vì vậy nhiều nhà đầu tư coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn. Các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Kim Eng Tan cũng lưu ý điều quan trọng để các nhà đầu tư quyết định ở lại lâu dài với Việt Nam bên cạnh sự ổn định chính trị là sự ổn định và dự báo được của các chính sách. 

Kỳ vọng vào RCEP

Nhận xét về tác động của việc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khó thành hiện thực, ông Phạm Hồng Hải cho rằng hầu hết những người đã quyết định đầu tư vào Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục như thông thường, bởi họ đầu tư vào Việt Nam không chỉ để trông đợi vào TPP mà bởi những lợi ích có sẵn như vị trí trung tâm, chi phí lao động, thị trường lớn...

Tất nhiên cũng có một nhóm nhỏ nhà đầu tư đến Việt Nam chỉ vì TPP, khi đó họ cũng phải thay đổi, trì hoãn kế hoạch đầu tư. Mặc dù không có TPP có thể làm mất đi một số cơ hội của Việt Nam nhưng cũng mở ra những cơ hội khác bởi Việt Nam vẫn có các lựa chọn thay thế.

Hiện tại, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand vẫn đang trong quá trình đàm phán kéo dài từ năm 2013. Đây là FTA đầu tiên của khu vực châu Á – Thái Bình Dương với thị phần chiếm một nửa dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu. Nếu được thông qua, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ RCEP thông qua nguồn lực đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Việc cộng hưởng tác động từ nhiều yếu tố có thể không giúp thúc đẩy sản lượng mạnh như với TPP nhưng cũng sẽ san sẻ nhiều lợi ích trong khu vực. 

Đánh giá tổng thể, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong 3 – 5 năm tới. Tuy nhiên, triển vọng về trung hạn và dài hạn thì còn phụ thuộc vào tiến độ thực hiện cải cách. “Cải cách là lựa chọn duy nhất và chúng ta không còn nhiều thời gian”, chuyên gia từ HSBC nhận xét và cũng cho rằng, FTA với EU, AEC, tiềm năng RCEP sẽ thúc đẩy quá trình cải cách ở Việt Nam.

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Có thể bạn quan tâm