
Mặc dù các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa phải chịu mức thuế suất mới, nhưng với 30% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam là thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt đã sớm lên kịch bản để ứng phó với các chính sách thuế mới. Điển hình là ngành thủy sản.
CƠ HỘI GIA TĂNG THỊ PHẦN
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 1 mặc dù là tháng có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng kết quả xuất khẩu thủy sản vẫn tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2024 đạt trên 774 triệu USD, cho thấy là một khởi đầu lạc quan cho năm 2025. Sản lượng kim ngạch tăng chủ yếu do nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc phục vụ cho Tết Nguyên đán. Trong đó những mặt hàng tươi sống như tôm hùm, cua, ngao, ốc được các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm cho phân khúc tiêu thụ cao cấp.
Nhận định về thị trường Mỹ trong bối cảnh nhiều biến động mới, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết, trong thời gian chờ đợi này có thể các doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ tranh thủ thúc đẩy mạnh giao thương. Do vậy, trong một vài tháng tới, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ có thể tăng mạnh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có thể dẫn tới những hệ lụy mà các doanh nghiệp cần tính tới là chi phí vận tải và logistic sẽ tăng do sự đổ dồn xuất khẩu sang Mỹ.
Trong bối cảnh Mỹ áp thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc, cùng với chính sách thuế quan đáp trả mới từ Trung Quốc, chuyên gia VASEP nhận định các doanh nghiệp Mỹ có thể chuyển hướng sang Việt Nam tìm đối tác cung ứng thủy sản thay thế cho nguồn cung thiếu hụt từ Trung Quốc. Ngoài ra, các doanh nghiệp Mỹ và cả các thị trường khác như Nhật Bản, Canada… cũng sẽ tìm kiếm đối tác gia công chế biến thủy sản ở Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Hàng năm, Mỹ nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc với trị giá từ 1,6 – 2 tỷ USD. Trong đó, tập trung nhiều vào các sản phẩm cá phile tươi/đông lạnh với giá trị từ 1-1,4 tỷ USD (chiếm khoảng 70%). Trong nhóm cá phile tươi/đông lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, cá rô phi chiếm khối lượng và giá trị lớn nhất, tiếp đến là cá tuyết, cá hồi…
Việc Mỹ áp thuế bổ sung 10% đối với nhập khẩu từ Trung Quốc có thể khiến giá cá rô phi của Trung Quốc tiếp tục tăng, điều này có thể làm giảm nhu cầu của Mỹ. Do vậy, dự báo sẽ có nhiều cơ hội hơn cho cá tra Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy, trong những năm gần đây, cá tra đã liên tục giành được thị phần so với cá rô phi tại Hoa Kỳ, với tỷ lệ dự báo là 60:40 vào năm 2024. Báo cáo chuyên sâu của Viện Thủy sản Quốc gia dự đoán rằng cá tra có thể sẽ thay thế phần lớn thị phần cá rô phi vào năm 2025.
XU HƯỚNG TIÊU THỤ THỦY SẢN TẠI MỸ
Thị trường hải sản Mỹ năm 2024 tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với xu hướng ưa chuộng hải sản đánh bắt tự nhiên, sự gia tăng của các sản phẩm chế biến sẵn và tiện lợi, và hải sản vẫn được coi là một lựa chọn cao cấp, bổ dưỡng trong chế độ ăn của người tiêu dùng.
Chuyên gia VASEP cũng chỉ ra rằng, các xu hướng tiêu dùng đang phản ánh sự thay đổi trong thói quen ăn uống và nhu cầu tiện lợi của thị trường Mỹ. Khảo sát từ FMI (Viện Thị trường Thực phẩm) cho thấy 44% người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng hải sản đánh bắt tự nhiên hơn các sản phẩm nuôi trồng. Trong số những người yêu thích hải sản tự nhiên, 70% chỉ mua hải sản đánh bắt tự nhiên và tránh các sản phẩm nuôi trồng. Các lý do cho sự ưa chuộng này bao gồm chất lượng tốt hơn, ít kháng sinh, tự nhiên hơn, tươi ngon và lành mạnh hơn, không có chất phụ gia.
Tuy nhiên, một bộ phận khác lại đưa ra quan điểm ngược lại trong việc lựa chọn hải sản. Những người yêu thích hải sản nuôi trồng lại cho rằng sản phẩm này tốt cho môi trường, dễ dàng truy xuất nguồn gốc và ít tiếp xúc với chất ô nhiễm. Sự bền vững và khả năng kiểm soát chất lượng của các sản phẩm nuôi trồng là yếu tố thu hút người tiêu dùng ưa chuộng hải sản nuôi trồng. Dù vậy, người tiêu dùng vẫn còn sự phân hóa rõ rệt về sở thích giữa hai loại sản phẩm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần chú trọng một xu hướng quan trọng của người tiêu dùng Mỹ là hải sản vẫn được coi là món ăn đắt tiền, với 73% người tiêu dùng thường xuyên tiêu thụ hải sản cảm thấy rằng hải sản là một lựa chọn xa xỉ.
Điều này cũng ảnh hưởng đến nhận thức của những người không tiêu thụ hải sản thường xuyên. Tuy nhiên, sự phổ biến của hải sản vẫn được duy trì nhờ vào giá trị dinh dưỡng và sự lành mạnh mà nó mang lại cho chế độ ăn. Đặc biệt, hải sản chế biến sẵn, đặc biệt là sushi, đang trở thành xu hướng chủ đạo trong ngành hải sản.
Chính xu hướng ưa chuộng sự tiện lợi, nên các sản phẩm đóng gói sẵn vẫn chiếm ưu thế trên thị trường Mỹ. Mặc dù doanh số bán hải sản đóng hộp đã giảm 14,3% trong bốn năm qua, nhưng các sản phẩm hải sản đóng hộp cao cấp đang có dấu hiệu tăng trưởng nhờ vào chế độ ăn keto và sự yêu thích thử nghiệm các thực phẩm mới qua mạng xã hội. Các sản phẩm hải sản đóng gói để bảo quản lâu cũng đang nhận được sự chú ý lớn nhờ tính tiện lợi.
Trong thị trường bán lẻ, cá vây đông lạnh như cá tuyết, cá minh thái và cá hồi đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi động vật có vỏ gặp khó khăn do giá cả cao và vấn đề chuỗi cung ứng. Nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao đóng góp 42% chi tiêu vào hải sản, cho thấy sự phân hóa rõ rệt trong việc tiêu thụ sản phẩm này.
Trước những diễn biến mới của thị trường toàn cầu, cơ hội dường như đang nhiều hơn thách thức. Ngành thủy sản Việt có thể nắm bắt và bứt phá nếu nguồn cung ứng nguyên liệu tốt về cả khối lượng và chất lượng.
Theo giới chuyên môn, trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế thay đổi liên tục, doanh nghiệp cần xây dựng các kế hoạch dự phòng, tránh tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Cần xây dựng các kênh cung ứng bền vững và linh hoạt, bao gồm nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu nguyên liệu khi cần thiết để tránh tình trạng thiếu hụt.