Doanh nghiệp thủy sản thắng lớn nhờ xuất khẩu đạt đỉnh trong quý 3/2024

Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trở lại, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng đã có những tín hiệu phục hồi rõ rệt…

6-nuoi-trong-1-6055-2397.jpg

Ngành thủy sản chứng kiến sự bùng nổ khi xuất khẩu đạt đỉnh trong quý 3/2024, mang lại thành công rực rỡ trong kết quả kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp. Sự hồi phục mạnh mẽ từ các thị trường quốc tế không chỉ giúp gia tăng doanh thu, lợi nhuận mà còn khẳng định vị thế của ngành trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

DOANH THU LỚN NHƯNG LỢI NHUẬN MỎNG

Trong quý 3/2024, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường khi ghi nhận doanh thu lên tới 3.277 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ doanh thu, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn cũng có bước nhảy vọt ấn tượng, đạt hơn 341 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 69,8%.

Đây thực sự là một tín hiệu tích cực, nhất là khi nhìn lại nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp này đã ghi nhận lợi nhuận giảm 22,4%, chỉ đạt 529,1 tỷ đồng. Sự hồi phục này cho thấy Vĩnh Hoàn đang dần vượt qua giai đoạn khó khăn và khẳng định vị thế của mình trong ngành thủy sản.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2024, “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn đã mang về tổng doanh thu 9.329 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế trong cùng kỳ đạt 870,1 tỷ đồng, tuy giảm nhẹ 1,5% so với 9 tháng đầu năm 2023.

Để đối phó với những biến động của thị trường, Vĩnh Hoàn đã đặt ra hai kịch bản kinh doanh cho năm nay. Ở kịch bản thấp, công ty dự kiến doanh thu thuần đạt 10.700 tỷ đồng, tăng gần 7%, và lợi nhuận ròng ước tính giảm 13% so với thực hiện năm 2023, chỉ đạt 800 tỷ đồng.

Ngược lại, ở kịch bản tích cực hơn, mục tiêu doanh thu thuần của công ty sẽ đạt 11.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 1.000 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng lần lượt là 15% và 9% so với năm 2023.

Như vậy, với kịch bản thấp, Vĩnh Hoàn đã vượt 8,8% kế hoạch lợi nhuận, còn ở kịch bản tích cực hơn, doanh nghiệp đã thực hiện được 87% mục tiêu lợi nhuận năm.

Cùng lúc, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC), một "ông lớn" trong ngành tôm, cũng đã có bước tiến ấn tượng trong quý 3/2024. Cụ thể, doanh thu của Sao Ta đạt 2.845 tỷ đồng, tăng gần 59% so với cùng kỳ năm trước, lập kỷ lục mới trong lịch sử hoạt động của công ty.

Mặc dù doanh thu tăng trưởng vượt bậc, nhưng lợi nhuận sau thuế của Sao Ta chỉ tăng 6,2%, đạt 94,8 tỷ đồng.

Sao Ta lý giải, giá nguyên liệu tăng đột biến ở cuối quý 3/2024 làm cho việc trả nợ các đơn hàng không đạt hiệu quả như mong đợi. Thêm vào đó, chi phí bán hàng tăng 150% do cước vận chuyển đang giai đoạn tăng cao, trích trước chi phí thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) trên doanh thu bán hàng sang Mỹ để tránh rủi ro thị trường Mỹ đang giai đoạn xem xét hồ sơ.

Luỹ kế 9 tháng năm 2024, Sao Ta ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.548 tỷ đồng, tăng 44,7% so với cùng kỳ. Với sự bùng nổ trong quý 3, doanh nghiệp đã vượt 7% mục tiêu doanh thu cả năm. Lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đạt 231,8 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ, tương đương công ty đã thực hiện được 72,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

blue-photo-modern-listing-presentation-5-8388-3341.png

Tương tự Sao Ta, Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico – mã chứng khoán: ANV) cũng ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu trong quý 3/2024, với mức tăng 23,1%, đạt 1.341 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất của doanh nghiệp này kể từ quý 4/2019 đến nay. Đáng chú ý, phần lớn doanh thu đến từ thị trường quốc tế, chiếm gần 68%, trong khi 32% còn lại từ thị trường nội địa.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng về doanh thu, chi phí bán hàng của Navico cũng tăng mạnh 118,5% lên 82,1 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 25,3% lên 20,1 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Navico còn có khoản lỗ khác 7,6 tỷ đồng trong quý, trong khi cùng kỳ năm trước công ty ghi nhận lãi 3,6 tỷ đồng. Kết quả, Navico báo lãi sau thuế đạt gần 28 tỷ đồng trong quý 3/2024, tăng gấp gần 27 lần so với mức hơn 1 tỷ đồng cùng kỳ.

Giải thích về sự tăng trưởng này, Navico cho biết doanh thu tăng nhờ sản lượng tăng cao, dẫn đến lợi nhuận gộp cao hơn. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng mạnh phần lớn do ảnh hưởng từ các cuộc xung đột trên thế giới, làm giá cước tàu tăng lên.

Tính chung từ đầu năm đến nay, Navico ghi nhận doanh thu thuần tăng 6,7%, đạt 3.550 tỷ đồng. Dù doanh thu tăng, lợi nhuận sau thuế của công ty gần như đi ngang, chỉ đạt 42 tỷ đồng, do kết quả kinh doanh không khả quan trong nửa đầu năm.

Đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán: MPC), quý 3/2024 cũng ghi nhận sự bứt phá ấn tượng với doanh thu thuần đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, doanh thu tài chính trong kỳ đạt gần 319 tỷ đồng, cao gấp 31 lần so với cùng kỳ, nhờ việc nhận cổ tức từ công ty con. Theo đó, Minh Phú đã nhận được 270 tỷ đồng cổ tức từ Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang và 27 tỷ đồng từ Công ty TNHH MTV Chuỗi cung ứng Thủy sản Minh Phú.

Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Minh Phú ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 198,2 tỷ đồng, là mức lãi cao nhất theo quý trong vòng 7 quý trở lại đây.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.207 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 135,4 tỷ đồng, tăng vọt gấp 18,8 lần so với cùng kỳ.

KỲ VỌNG PHỤC HỒI MẠNH MẼ SAU KHÓ KHĂN

Quý 3/2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho ngành thủy sản khi doanh thu bùng nổ nhờ xuất khẩu đạt đỉnh, mang lại tín hiệu lạc quan cho tương lai của ngành.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong quý 3 đạt 2,76 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng chủ lực ghi nhận sự bứt phá ấn tượng, như cá tra tăng 13,5%, tôm tăng 17,5%, cua ghẹ tăng 56%, và nhuyễn thể có vỏ tăng đến 95%.

Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt 1,46 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù cá tra chế biến chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu, nhưng lại tăng đột biến 42%. Các sản phẩm cá tra đông lạnh cũng ghi nhận sự tăng trưởng, với cá tra nguyên con tăng 24% và cá tra phile/cắt khúc đông lạnh tăng nhẹ 4%.

VASEP cũng cho biết rằng 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Nam Việt, Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I và Công ty TNHH Đại Thành (Tiền Giang).

Đáng chú ý, tôm vẫn tiếp tục giữ ngôi vị dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu với gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. Dù giá tôm đông lạnh chưa hồi phục mạnh mẽ và đang phải cạnh tranh với tôm từ Ecuador và Ấn Độ, nhưng sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam vẫn giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế.

Với đà tăng trưởng này, VASEP dự báo ngành thủy sản sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 9,5 tỷ USD trong năm 2024, tăng 7% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu tôm dự kiến đạt gần 4 tỷ USD, cá tra khoảng 2 tỷ USD, và cá ngừ gần 1 tỷ USD, trong khi mực và bạch tuộc ước đạt khoảng 640 triệu USD.

Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường đang hồi phục và giá xuất khẩu tăng cao sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2024 và năm 2025.

Nhận định về triển vọng ngành thuỷ sản trong những tháng cuối năm, Công ty Chứng khoán Vietcap cho rằng, thị trường Mỹ sẽ có sự cải thiện trong chi tiêu tiêu dùng nửa cuối năm 2024, mặc dù niềm tin của người tiêu dùng giảm sút trong quý 2/2024.

Tại Trung Quốc, nhu cầu cá tra dự kiến sẽ khả quan hơn trong khi nhu cầu tôm đang yếu. Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy trong nửa đầu năm 2024, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Trung Quốc cho thấy mức tăng trưởng một chữ số trong doanh số bán lẻ và dịch vụ ăn uống, trong khi niềm tin của người tiêu dùng giảm từ tháng 2/2024.

anh-chup-man-hinh-2024-10-25-luc-144712-4636-9744.png

Ở cấp độ ngành thuỷ sản, VASEP dự báo sẽ có sự cạnh tranh gia tăng trong xuất khẩu tôm khi Ecuador, Ấn Độ và Indonesia tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc, do Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp cao. "Sự cạnh tranh gia tăng này có thể gây áp lực lên giá xuất khẩu tôm của Việt Nam", Vietcap nhận định.

Ngược lại, hành vi chi tiêu thận trọng của người tiêu dùng Trung Quốc có thể mang lại lợi thế cho các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam, vì cá tra có giá trị kinh tế hơn so với các loài cá thịt trắng khác như cá rô phi và cá chép trên thị trường thủy sản phân mảnh của Trung Quốc

Tại thị trường EU, Vietcap cho rằng những biện pháp kiểm soát sản phẩm thủy sản của Nga và Trung Quốc có thể tạo cơ hội cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Dự báo của Vietcap cũng cho rằng, thị trường Nhật Bản sẽ hồi phục mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024, với nhu cầu tôm tăng lên khi vào mùa cao điểm. VASEP tin rằng các nhà sản xuất tôm Việt Nam có vị thế cạnh tranh vững chắc và sẽ tận dụng cơ hội này để mở rộng xuất khẩu sang thị trường này.

Về thách thức của nhóm ngành thuỷ sản, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, một trong những khó khăn của các doanh nghiệp thuỷ sản đến từ việc cước phí tàu biển tăng “phi mã” thời gian qua, khiến các doanh nghiệp đứng ngồi không yên.

Cụ thể, cước tàu vận chuyển hàng đi Mỹ tăng đột biến 40% từ tháng 5/2024; cước tàu đi EU tăng 60%...; khoản chi phí này đã ăn mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do xung đột tại Biển Đỏ - con đường vận tải biển huyết mạch khiến hầu hết các khách hàng tránh đi vào khu vực này để phòng chống rủi ro.

Không chỉ vậy, thuỷ sản còn là ngành chịu tác động nặng nề nhất từ các biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang tiến hành điều tra chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam với hơn 40 chương trình.

Kết quả sơ bộ xác định mức trợ cấp là 2,84% và từ tháng 4/2024, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ phải ký quỹ. Song song với đó, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng Đoàn thanh tra EC đã vào Việt Nam đánh giá 4 lần và đến thời điểm này vẫn chưa tháo gỡ thẻ vàng IUU cho Việt Nam.

Việc EU duy trì cảnh báo “thẻ vàng” đối với ngành khai thác thủy sản Việt Nam đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ sản phẩm này tại thị trường châu Âu.

Chuyên gia phân tích VPS nhận định, mặc dù ngành thủy sản đang vướng phải nhiều khó khăn trước mắt nhưng tiềm năng tăng trưởng vẫn hiện hữu nhờ vào sự phục hồi của các thị trường lớn và chiến lược phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn những doanh nghiệp trong ngành có lợi thế cạnh tranh và khả năng vượt qua thách thức dài hạn để có thể thu được lợi nhuận kỳ vọng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...