Không có gì hoặc có tất cả
Có một câu chuyện như sau: Trong một buổi tiệc có bảy người tham gia, mỗi người mang một quốc tịch khác nhau: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Ý, Trung Quốc, ai cũng muốn khoe ra loại rượu ngon của quốc gia mình.
Người Trung Quốc mang rượu Mao Đài ra, vừa mở nắp hương thơm đã tỏa ra ngào ngạt, khiến những người ngồi ở đó hết lời khen ngợi. Người Nga lấy Vodka, người Pháp lấy XO, người Đức lấy bia đen, người Ý lấy rượu nho, tất cả các món đồ uống đều rất ngon.
Tới lượt người Mỹ, anh ta bèn tìm một chiếc cốc không rồi đổ vào đó mỗi loại rượu một chút, lắc đều lên rồi giơ chiếc cốc đó ra. Đó là rượu gì vậy? Đó chính là món đồ uống nổi tiếng toàn cầu mà người Mỹ gọi là "Cocktail".
Người Mỹ trong câu chuyện trên không có gì cả, anh ta chỉ làm một việc là trộn các loại rượu của các nước khác với nhau, kết hợp chúng lại thành một thứ đồ uống tổng hợp.
Rõ ràng, tổng hợp chính là sáng tạo, biết kết hợp những thứ tốt đẹp lại với nhau chính là một sự sáng tạo tuyệt vời.
Giống như nhà thiết kế Jonathan Ive của Apple đã nói: "Quan trọng là tổ chức nội dung như thế nào". Sự thành công của Apple đủ khiến người ta tin rằng, sự kết hợp có thể coi là lời giải đáp cho câu hỏi về nguồn gốc của sự sáng tạo. Hơn nữa những thành công to lớn mà Apple đạt được cũng đã giúp chứng minh tính khả thi của mô thức sáng tạo này.
Tianqiao Chen (Trần Thiên Kiều), nhà sáng lập đồng thời là chủ tịch, CEO tập đoàn đầu tư Trung Quốc Shanda Group cũng từng nhận xét: Tất cả kĩ thuật và phần mềm ứng dụng trong iPod, không có thứ nào mà doanh nghiệp Trung Quốc không làm được, nhưng cái mà chúng ta thiếu là năng lực sáng tạo chỉnh thể của Apple - phần cứng, phần mềm, mạng, nội dung, thiết kế công nghiệp cộng với dịch vụ.
Hạt nhân của sáng tạo
Sáng tạo là hạt nhân phát triển của một doanh nghiệp, cũng là linh hồn tiến bộ của một dân tộc, là động lực cho sự phát triển hưng thịnh không ngừng nghỉ của một quốc gia. Do sáng tạo có tầm quan trọng như vậy nên con người luôn không ngừng suy nghĩ và tìm tòi sáng tạo. Giới IT có hai định nghĩa cơ bản về sáng tạo:
(1) Sáng tạo nguyên thủy từ không đến có: Loại kĩ thuật vốn không có, bây giờ mới sáng tạo ra nó.
(2) Sáng tạo chỉnh thể từ không có thứ tự tới có thứ tự: Tổng hợp các thành quả kĩ thuật đã có trong một chỉnh thể thống nhất, tối ưu hóa trong cài đặt nhằm phát huy hiệu quả lớn nhất.
Những người đã biết về Apple đều biết rằng, nếu xét về mặt sáng tạo kĩ thuật, sáng tạo nguyên thủy thì Apple không phải là dẫn đầu trong ngành. iPod thịnh hành trên toàn cầu, bản thân sản phẩm ấy không có bất kì kĩ thuật cao siêu nào, công việc của Apple chỉ là kết hợp mạng Internet với phần cứng, tạo cho khách hàng một trải nghiệm chưa từng có, đó là phương thức nghe nhạc thuận tiện, mới mẻ.
Chính mô thức sáng tạo làm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng này đã đưa iPod đến với người tiêu dùng, giúp họ thu được thành công trước nay chưa từng có. Tiếp tục hướng tư duy này, về sau Apple đưa ra iPhone và iPad, hai dòng sản phẩm này cũng đều giành được thành công vang dội trên toàn cầu.
Tất cả các ứng dụng phần mềm để cài đặt cho sản phẩm của Apple bao gồm iPod, iPhone và iPad, người tiêu dùng đều có thể thông qua iTunes, Appstore và iBook Store của Apple để download. Mô thức sáng tạo kết hợp giữa phần cứng và phần mềm này đã giúp Apple thoát khỏi cục diện khó khăn, từ đó dựa vào phần cứng, sản phẩm và kĩ thuật của mình để từng bước thống lĩnh thị trường.
Không chỉ vậy, iTunes, Appstore và iBook Store còn có thể thúc đẩy lẫn nhau: Sự kết hợp của phần mềm và phần cứng có thể giúp tăng thêm lượng tiêu thụ của sản phẩm; ngược trở lại, cùng với sự tăng lên không ngừng về lượng tiêu thụ của sản phẩm thì sẽ có ngày càng nhiều người tiêu dùng quen sử dụng iTunes, Appstore và iBook Store.
Đây rõ ràng là vòng tuần hoàn tốt của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiến hành kết hợp chặt chẽ giữa phần mềm và phần cứng, nhằm thực hiện mục tiêu chiếm lĩnh thị trường.
Theo Trí thức trẻ