Tròn 5 năm sau "biến cố" mang tên bầu Kiên, ACB đã trở lại?

Ngày này 5 năm về trước, thị trường tài chính rúng động bởi thông tin ông Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên), thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB bị bắt giam.
Tròn 5 năm sau "biến cố" mang tên bầu Kiên, ACB đã trở lại?

Ngày 21/8/2012

Cách đây tròn 5 năm, sáng ngày 21/8/2012, thông tin ông Nguyễn Đức Kiên bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam về hành vi "kinh doanh trái phép" được công bố. Ông Kiên bị bắt vào chiều tối ngày 20/8.

Rất nhiều người đã bất ngờ và không thể tin nổi người đàn ông quyền lực và rất nổi danh trong giới tài chính ngân hàng và bóng đá Việt Nam lại có ngày "ngã ngựa", vướng vòng lao lý.

Chỉ trong vòng 3 ngày sau đó, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi 5,6 tỷ USD cùng hàng nghìn tỷ đồng đã bị rút ra khỏi ACB.

Ông Nguyễn Đức Kiên (sinh năm 1964 tại Hà Nội) trước khi bị bắt là thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Ngoài ra ông Kiên còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao ACB, Chủ tịch HĐQT công ty Thiên Nam, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP du lịch Chợ Lớn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu, Phó chủ tịch CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội…

Sau một thời gian tạm giam, bầu Kiên hầu tòa với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.

Qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Kiên đã bị toà tuyên án 30 năm tù giam, trong đó 20 tháng tù về tội "Kinh doanh trái phép"; 6 năm 6 tháng tù về tội "Trốn thuế", áp dụng hình phạt bổ sung bồi thường thêm hơn 75 tỷ đồng; 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", phạt bổ sung 100 triệu đồng; 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng trong vòng 5 năm.

Vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng ACB do bầu Kiên cầm đầu được đánh giá là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa vào diện án điểm.

ACB gồng mình "vượt bão"

Sau bầu Kiên, sóng gió liên tiếp ập đến với ACB khi ông Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá và 3 nguyên Phó Chủ tịch HĐQT lần lượt từ nhiệm và bị khởi tố.

ACB là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần mạnh nhất Việt Nam vào thời điểm đó, với tổng tài sản được ghi nhận vào ngày 30/06/2012 là xấp xỉ 256 nghìn tỷ đồng. Sau sự cố, ngày 30/09/2012, con số này được ghi nhận còn lại khoảng 214 nghìn tỷ đồng và tròn 1 năm sau, đến ngày 30/06/2013, tổng tài sản của ACB còn lại khoảng 169 nghìn tỷ đồng.

Liền sau sự cố về các cựu lãnh đạo, một đòn mạnh nữa được giáng vào ACB khi NHNN yêu cầu các Ngân hàng thương mại phải tất toán và chấm dứt việc huy động vàng của khách hàng. Đây là yếu tố góp phần làm cho tổng tài sản của ACB sụt giảm và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khoản lỗ trên 1.700 tỷ đồng của ACB trong quý 4/2012. Chính những nguyên nhân trên đã làm cho cấu trúc bảng cân đối tài sản của ACB có những thay đổi rất lớn.

Cùng với sự thay đổi trong cấu trúc bảng cân đối tài sản, bộ máy quản trị của ACB cũng có những thay đổi lớn khi mà gần như toàn bộ những thành viên HĐQT cũ có liên quan đến Bầu Kiên đều đã không còn. Một HĐQT mới đã được hình thành với 2 trụ cột chính là: Gia đình ông Trần Mộng Hùng – Người sáng lập ACB và cổ đông chiến lược của ACB - Ngân hàng Standard Chartered.

Riêng phần liên quan đến bầu Kiên, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012 của ACB cho thấy ngân hàng này có khoản dư nợ liên quan đến nhóm các công ty của bầu Kiên là hơn 7.400 tỷ đông - một con số khổng lồ lúc bấy giờ.

Những năm sau đó, ACB vẫn phải gia tăng trích lập dự phòng để xử lý các khoản nợ liên quan đến nhóm 6 công ty của bầu Kiên. Hồi năm 2014, lãnh đạo ngân hàng này cho biết kế hoạch là đến 2016 sẽ xử lý xong các vấn đề tồn tại cũ để ACB trở lại thời kỳ hưng thịnh như trước đây với lợi nhuận 3.000 tỷ, song cho đến nay là nửa cuối năm 2017, ngân hàng vẫn còn dư nợ gần 560 tỷ đồng. Dẫu vậy, những nỗ lực của toàn bộ ngân hàng này là không thể phủ nhận.

Sự trở lại

Gia đình ông Trần Mộng Hùng một lần nữa quay về ngân hàng cùng với toàn bộ cán bộ nhân viên đã xây đắp lại ACB sang một trang mới. Cho đến nay, sau 5 năm năm biến cố, từ một ACB bị đảo lộn đã bật dậy nhanh chóng.

Tại ĐHCĐ diễn ra hồi tháng 4/2017, ông Nguyễn Văn Dũng – Cục trưởng Cục thanh tra giám sát NHNN-TPHCM đã chỉ ra 4 điểm sáng của ACB .

Thứ nhất, về tình hình hoạt động năm qua của ACB, Ngân hàng có các chỉ tiêu hoạt động cho vay, huy động, lợi nhuận tăng trưởng tích cực, trong đó tăng trưởng tín dụng cao hơn bình quân các ngân hàng tại TPHCM.

Thứ hai, hệ số an toàn cũng trên mức quy định ở mức khá xa, đáp ứng được tiêu chí về thanh khoản, chứng tỏ rất chú trọng đến vấn đề an toàn trong hoạt động.

Thứ ba, ACB đã xử lý nợ xấu tốt. Tỷ lệ nợ xấu về cuối 2016 là 0,88%; nợ nhóm 1 và 2 là 1,44%. Đặc biệt, ACB đã chú trọng yếu tố bền vững đi kèm xử lý nợ xấu là phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, quỹ dự phòng rủi ro của ACB ở mức 127% so với quy mô tổng nợ xấu.

Cuối cùng, về hoạt động tái cơ cấu, ACB cũng đã cơ bản hoàn thành theo lộ trình, trong đó đã kết thúc giai đoạn 2012-2015. Hướng xử lý tiếp theo của ACB là phải chuyển những gì chưa làm được trong 2015 và đưa tiếp vào giai đoạn mới.

"ACB đang đi đúng mục tiêu, lộ trình xử lý nợ liên quan nhóm 6 công ty, xử lý nợ Vinalines, Vinashin và xử lý chéo và nợ liên ngân hàng. Đặc biệt ACB đã xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo. Các nhóm liên quan nợ xấu tồn đọng, nợ liên ngân hàng. Vừa qua, ACB đã xin phép xử lý trước thời hạn, đây là động thái tích cực trong quá trình tái cơ cấu", ông Dũng khẳng định.

Cũng theo vị đại diện NHNN, về vấn đề cổ tức, trong những năm trở lại đây nhiều ngân hàng chia cổ tức với tỷ lệ 5-7% hoặc không chia cổ tức thì ACB năm qua lại chia 10%.

Theo lãnh đạo của ngân hàng này, trong lộ trình năm nay, ngân hàng sẽ tích cực thu nợ chưa trích lập dự phòng, đối với nợ đã trích lập thì sẽ xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi dứt điểm, xử lý dứt điểm các tồn đọng trong quá khứ...

Với những nỗ lực trong thời gian đây của ACB cho thấy ngân hàng đang quay trở lại quỹ đạo nhưng để lại lấy lại thời kỳ hoàng kim một thời dẫn đầu top 5 ngân hàng cổ phần tư nhân lớn nhất về lợi nhuận trước đó thì ACB cần thêm thời gian bởi các ngân hàng cổ phần khác như VPBank hay Techcombank trong thời gian đó đã liên tục đổi mới chiến lược kinh doanh, bứt phá và nhanh chóng vươn lên vị trí dẫn đầu nhóm này.

Theo Mai Ngọc/ Trí Thức trẻ

>> ACB "dọn dẹp" dư nợ nhóm 6 công ty bầu Kiên xuống còn 558 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...