Cũng theo báo cáo, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011-2017, trong bối cảnh 70% các nền kinh tế trên thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước và CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản tháng 6/2019 tăng 0,16% so với tháng trước.
Giải ngân vốn FDI 6 tháng đầu năm ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, lượng khách quốc tế đến nước ta đều tăng.
Số liệu cập nhật ngày 2/7/2019 của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, nhập khẩu 120,8 tỷ USD, xuất siêu 1,6 tỷ USD.
6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký. Có 21.617 doanh nghiệp doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng có báo cáo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam. WB cho biết, trong bối cảnh phức tạp của nền kinh tế toàn cầu, đà tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại trong những tháng đầu năm 2019.
Tốc độ tăng trưởng GDP theo giá so sánh tuy vẫn đạt ở mức đáng khích lệ 6,8% trong quý I/2019, nhưng đà tăng trưởng đã giảm lại đáng kể so với mức 7,5% trong quý I/2018 và 7,1% trong cả năm 2018.
Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng chững lại theo chu kỳ, báo cáo của WB nhận định rằng triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực. Tăng trưởng GDP trong năm 2019 theo giá so sánh được dự báo sẽ giảm còn 6,6%, do sức cầu bên ngoài yếu đi và do chính sách tài khóa và tín dụng tiếp tục bị thắt chặt. Chỉ số lạm phát dự kiến vẫn được duy trì dưới chỉ tiêu lạm phát chính thức là 4%.
Bên cạnh đó, chỉ số CPI bình quân năm cũng được dự báo ở mức 3,7% năm 2019 và tăng lên 3,8% vào năm 2020 và 2021. Cân đối ngân sách được dự báo ở mức -2,5% năm 2019 và ở mức -2,3% năm 2020 và -2,2% năm 2021.
Nợ công theo định nghĩa của IMF được WB dự báo ở mức 54,4% năm 2019 và ở mức 53,3% năm 2020 và 52,5% năm 2021. Nếu theo cách tính của Bộ Tài chính thì con số dự báo của WB là 58,3% năm 2019, 58% năm 2020 và 57,6% năm 2021.
>> Tăng trưởng tín dụng có thể chậm lại