Theo đó, việc thay đổi này để thống nhất tên gọi dễ hiểu, đơn giản, được người dân và doanh nghiệp đồng tình chấp thuận.
Tổng cục đường bộ yêu cầu trước ngày 20/7, các nhà đầu tư thay thế từ “giá” bằng từ “phí” trong các cụm từ “trạm thu giá”, “biểu giá”, “mức giá” trên hệ thống biển tên trạm, biển chỉ dẫn, tên bảng niêm yết mức thu và trên vé tại các trạm thu phí. Đối với các vé đã in, các chủ đầu tư có thể tiếp tục sử dụng hết đến khi phát hành vé mới.
Trước đó, dư luận phản ứng về việc các trạm thu phí BOT bị đổi tên thành "trạm thu giá"; nhiều ý kiến cho đây là thuật ngữ kỳ quặc, máy móc.
Đại diện Bộ Giao thông giải thích, trước đây các dự án BOT giao thông được quản lý theo hình thức thu phí. Bộ Tài chính có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng với từng dự án. Giai đoạn từ ngày 1/1/2017 đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật Phí và lệ phí, theo đó “phí sử dụng đường bộ” được chuyển đổi thành “giá dịch vụ sử dụng đường bộ".
Cũng theo Bộ Giao thông, các thông tư của Bộ đã quy định rõ, đầy đủ “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhà đầu tư đã sử dụng tên gọi tắt là “Trạm thu giá” tạo ra những ý kiến trong dư luận.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu lãnh đạo Bộ Giao thông giữ nguyên tên gọi "trạm thu phí" như trước đây.