Trong 1 năm qua, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện những cam kết đưa ra từ sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2016. Đó là kiến tạo môi trường kinh doanh, công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư; đơn giản hóa, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính…
Nghị quyết 35/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cũng được đưa ra và nhanh chóng đi vào thực hiện với những điểm nhấn như không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tháo gỡ khó khăn về cấp phép đầu tư, thuế, tín dụng…đã mang đến một bầu không khí hứng khởi cho doanh nghiệp.
Những quyết sách kịp thời của Chính phủ đã góp phần tạo nên một kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016 với khoảng 100.000 doanh nghiệp.
Luồng gió mới cho môi trường kinh doanh
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, 75% doanh nghiệp đánh giá tích cực, tương đối tích cực đối với sự chuyển biến của các bộ ngành, địa phương; gần 30% đánh giá sự chuyển biến còn hạn chế. Nhìn chung, các doanh nghiệp cho biết kết quả kinh doanh năm 2016 có khởi sắc hơn, niềm tin triển vọng kinh doanh tốt hơn so với 2015. Có thể nói, năm 2016 là năm đột phá về tư duy cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp.
Một trong những chuyển biến rõ nét là đơn giản thủ tục cho doanh nghiệp. Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội nhận định, Nghị quyết 35 sau 1 năm cho thấy nhiều cam kết đi vào thực tế. “Thủ tục thành lập doanh nghiệp đã rút ngắn thời gian xuống còn 3 ngày. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cải thiện hơn trong công tác cấp phép, ngành thuế và thủ tục hải quan cũng có nhiều qui chế cắt giảm thủ tục cho doanh nghiệp…”, ông Quốc Anh dẫn chứng.
Vẫn lo “trên trải thảm, dưới trải đinh”
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, song nhiều doanh nghiệp phải ánh sự chậm trễ hoặc thiếu quyết liệt, đồng bộ ở cấp chính quyền, các bộ ngành…Đơn cử như việc ngành hải quan tạo điều kiện thông quan, nhưng các bộ, ngành còn tới 362 văn bản như các giấy phép con, nên khi hải quan muốn đơn giản hoá thủ tục cũng khó.
Ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc Điều hành FPT lấy dẫn chứng ngay từ quá trình nhập khẩu điện thoại, cứ 1 lô hàng doanh nghiệp lại phải xin phép 1 lần. Như vậy, mỗi năm với 1.000 lô hàng thì tương đương với 1.000 lần xin phép, trong khi thời gian trả lời cho 1 lần xin phép mất tới 7 ngày.
“Từ sau năm 2016, thời gian lưu kho tăng lên 1 tuần so với trước đây. Do vậy, nếu 1 năm nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD, lưu kho 1 tuần thì thiệt hại lớn như thế nào?” ông Hà đặt câu hỏi.
Với những cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, khó khăn còn lớn hơn nhiều, trong đó có việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Bởi các ngân hàng chủ yếu vẫn yêu cầu tài sản thế chấp, trong khi đây lại chính là điểm yếu của các Startup.
Chị Vũ Thị Phương Minh, chủ cơ sở sản xuất ở tỉnh Nghệ An, khởi nghiệp từ sản xuất nông sản sạch, ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật cao cho biết, với mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, có thể tiếp cận vốn theo chương trình phát triển quốc gia về công nghệ cao nhưng không được nhiều.
“Cơ sở chủ yếu vẫn phải vay vốn ngân hàng bằng thế chấp tài sản của gia đình, lãi suất ở mức khá cao khoảng 9%/năm. Hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp chủ yếu gọi vốn từ các kênh như quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức phi chính phủ, nhưng các kênh này vẫn rất khó khăn”, chị Minh lo lắng.
Cải cách còn quá xa so với mong muốn
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam mới chỉ tốt hơn so với trước đây, chưa thực sự tốt hơn so với môi trường kinh doanh quốc tế. Cải cách ở Việt Nam vẫn còn cách khá xa so với mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này gây nên nhiều nguy hiểm khi doanh nghiệp hội nhập với môi trường kinh doanh quốc tế.
Không những thế, cải cách hiện tại mới chỉ là phần nổi của tảng băng, hệ thống mới giải quyết được phần ngọn mà chưa được phần gốc. Một số chính sách, quy định pháp luật hiện tại đang tạo ra rủi ro cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thiếu đi sự phát triển của nhiều thị trường.
“Trong kinh doanh gas, cách đây 1 năm có quy định nâng tiêu chuẩn kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc phải bỏ ra số tiền rất lớn để đầu tư. Sau 1 năm, quy định này lại được loại bỏ, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, đồng thời thể hiện môi trường kinh doanh còn rất rủi ro”, ông Hiếu phân tích.
Sau 1 năm triển khai Nghị quyết 35, Chính phủ sẽ có những đánh giá tổng thể về việc triển khai nghị quyết này, đồng thời đưa ra các giải pháp để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 diễn ra vào ngày 17/5 tới. Các doanh nghiệp đang rất mong đợi và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách của Chính phủ được đưa ra từ hội nghị này sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn và tìm cách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Theo Vov.vn