Đây là nhận định của TS. Cấn Văn Lực trước những diễn biến của thị trường tiền tệ trong nước và thế giới.
Theo phân tích của TS Cấn Văn Lực, từ đầu năm đến nay, đồng USD mất giá khá mạnh (khoảng 6%). Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một là USD đã tăng giá đến ngưỡng trong vòng 2 năm qua (tăng khoảng 9%). Và hai là những chính sách của Tổng thống Donald Trump bị chậm triển khai do vấp phải phản ứng mạnh từ cả Nghị viện và dân chúng.
Sự mất giá của đồng USD đã khiến các đồng tiền khác tăng giá, chẳng hạn như đồng Euro đã tăng tới 8,42%. Tuy nhiên, đồng Việt Nam lại gần như không tăng giá (tăng khoảng 0,05%).
Việc FED điều chỉnh lãi suất USD ngắn hạn đã khiến LIBOR tăng từ 1% (12/2016) lên 1,3% (6/2017). Tuy vậy, lợi tức trái phiếu Mỹ dài hạn trong cùng kì lại giảm từ 2,43% xuống 2,3% – đối với loại trái phiếu 10 năm; và từ 3,05% xuống 2,84% - đối với trái phiếu 30 năm.
Theo TS Lực, điều này phản ánh kì vọng việc FED tăng lãi suất một cách nhanh chóng đã giảm bớt. Trong năm tới, nhiều khả năng FED chỉ tăng lãi suất 2 lần (thay vì 3 lần như trong năm 2017).
Trong 6 tháng cuối năm 2017, TS Lực cho rằng chính sách tiền tệ của FED sẽ là tăng lãi suất cơ bản thêm một lần nữa (vào tháng 12) và thu hẹp bảng cân đối tài sản (thông qua việc bán trái phiếu). Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ và rút dần nới lỏng định lượng từ cuối năm 2018. Ngân hàng Trung ương Nhât sẽ duy trì nới lỏng trong năm 2017 và 2018. Còn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ thắt chặt dần chính sách tiền tệ từ cuối năm nay.
“Với tình hình như vậy, chúng tôi cho rằng từ đây đến cuối năm, lãi suất LIBOR sẽ tăng nhẹ thêm 0,2% - 0,3%. Đồng USD sẽ bắt đầu tăng giá trở lại, dù mức tăng sẽ không mạnh”, TS Lực nói.
Việc đồng USD tăng giá được dự báo sẽ làm thay đổi tỷ giá các đồng tiền so với USD. Theo đó, các đồng tiền được dự báo tăng giá gồm: THB, TWD, SGD, PHP, MYR. Các đồng tiền được dự báo mất giá gồm: RUB (-4,19%), GBP (-4%), EUR (-2,7%), INR (-1,56%)…
Riêng đồng Việt Nam được dự báo sẽ mất giá 1,98%. Theo đánh giá của TS Lực, “đây là mức có thể chấp nhận được”.
Bên cạnh việc phân tích tỷ giá đồng Việt Nam, TS Cấn Văn Lực cũng đề cập đến vấn đề tín dụng ngoại tệ. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm nay, tín dụng ngoại tệ đã tăng khá mạnh.
“Số liệu Ngân hàng Nhà nước chưa công bố nhưng chúng tôi dự báo tín dụng ngoại tệ đã tăng từ 5,5 – 6%, trong khi năm ngoái, tín dụng ngoại tệ gần như không tăng. Như vậy, nhu cầu ngoại tệ đã lên. Thanh khoản ngoại tệ cuối năm có thể sẽ vất vả vì sẽ chịu cùng lúc 3 tác động: tín dụng ngoại tệ tăng, áp lực tăng giá của đồng USD và tính chu kì về nhu cầu ngoại tệ cuối năm”, TS Lực nói.
Theo Vĩnh Chi/Vietnamfinance.vn