Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Theo báo cáo “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017” của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, doanh nghiệp Việt vẫn gặp nhiều khó khăn trong năm qua, với gần 50% doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thua lỗ.
Doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản đang ngăn chặn sự phát triển như khả năng tiếp cận vốn vay tín dụng, gia tăng chi phí lao động, logistic cũng như chi phí thực hiện nghĩa vụ Nhà nước.
Cụ thể, về tiếp cận tín dụng, ngoài việc thủ tục vay còn phức tạp thì vấn đề không đủ điều kiện tài sản thế chấp là rào cản lớn mà doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt. Ngoài ra lãi suất cao và chi phí lót tay, quà tặng cũng làm giảm khả năng tiếp cận vốn cũng như gia tăng chi phí sản xuất.
Đánh giá về chi phí lao động, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc năng suất lao động không tăng nhưng chi phí lại tăng lên sẽ tạo sức ép cho doanh nghiệp và làm mất đi thế cạnh tranh.
Theo số liệu từ báo cáo trên, chi phí lao động của doanh nghiệp được dự kiến sẽ tăng lên 6,8% vào năm 2018 do việc tăng bảo hiểm xã hội từ tổng lương cũng như các khoản phụ cấp khác. Điều này sẽ làm giảm đáng kể tỉ lệ doanh nghiệp có lợi nhuận, từ 63,2% xuống chỉ còn 40,6%.
Mặc dù tương đối đầy đủ về mặt số lượng nhưng báo cáo trên đánh giá rằng cơ sở hạ tầng logistic tại Việt Nam hiện chưa hiệu quả về mặt chất lượng và kết nối, làm cho thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao.
Bà Lan cũng cho rằng, tỉ trọng chi phí logistic của Việt Nam cao hơn so với các nước khác là do những hạn chế của chính sách đã không tạo được môi trường tốt cho dịch vụ này phát triển.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một trong những rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp là phạm vi cải cách còn hẹp, chưa bao quát được cả trước mắt và dài hạn. Bên cạnh đó, rào cản còn đến từ sản xuất và thực hiện nghĩa vụ thuế phí hải quan đối với Nhà nước.
Gỡ rào cản thế nào?
Chia sẻ tại chương trình hội thảo quốc gia “Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp”, TS. Võ Trí Thành cho rằng, tháo gỡ các rào cản giúp doanh nghiệp phát triển cần có ba yếu tố bao gồm: Xác định vấn đề, thiết kế và thực thi.
Việt Nam có giám sát thực thi, có chế tài, phối hợp nhưng “thiết kế của Việt Nam yếu, nêu vấn đề và thiết kế là một chuyện và để hiện thực hóa được thì phải thiết kế được, ý tưởng chỉ là cái khởi đầu", ông Thành phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, so với các nước, Việt Nam thua ở khâu thiết kế và thực thi bởi “chúng ta hời hợt, chúng ta không hỏi tại sao, ai làm mà luôn luôn hỏi làm thế nào để thiết kế được. Thay vì hỏi tại sao thì chúng ta lại thích ứng, thay vì đau đáu thì chúng ta lại hời hợt”.
Một trong những rào cản khác theo ông Thành chính là vấn đề “trên nóng dưới lạnh” từng được lãnh đạo Chính phủ đề cập nhiều lần.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” là vấn đề của bộ máy Nhà nước, “lạnh” ở đây là lạnh trong bộ máy Nhà nước chứ không phải lạnh trong doanh nghiệp.
Để tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp, theo bà Lan, số 1 phải là Nhà nước, Chính phủ, tiếp đến là vai trò và tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp phải được tôn trọng, cuối cùng là xã hội.
Đối với các bộ ban ngành, gỡ rào cản không chỉ nằm ở việc thiết kế chính sách mà còn nằm ở khâu thực thi chính sách và đây là khâu yếu kém nhất của chúng ta hiện nay, bà Lan khẳng định.
Đối tượng thứ hai chính là doanh nghiệp, mặc dù thời gian vừa qua, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp được dấy lên rất nhiều nhưng trên thực tế, việc được lắng nghe và tiếp thu vẫn rất còn hạn chế.
Theo nhìn nhận của bà Lan, hiện nay, số hiệp hội doanh nghiệp được thành lập khá nhiều, mỗi hiệp hội đại diện cho những cộng đồng doanh nghiệp nhất định nhưng thực chất vai trò, tiếng nói của các tổ chức này vẫn chưa thực sự có chất lượng.
Bà Lan đánh giá, các doanh nghiệp lớn “mạnh vì gạo bạo vì tiền” có tiếng nói lớn hơn rất nhiều trong việc xây dựng cũng như thực thi chính sách so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, đây phải là phần thứ hai tham gia vào việc tháo gỡ rào cản của doanh nghiệp.
Lực lượng cuối cùng được đánh giá cũng không kém phần quan trọng trong công cuộc trên chính là xã hội, trong đó có vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy và nâng tầm tiếng nói.
“Để doanh nghiệp có thể đóng góp tốt hơn cho xã hội thì họ cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn của xã hội trong việc cải thiện cả phía Nhà nước lẫn doanh nghiệp”, bà Lan khuyến nghị.
Theo The Leader