Dư luận tuần qua xôn xao về thông tin Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội (sáng 22/10/2016) khẳng định Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu vớt các ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời của Phó thủ tướng nhấn mạnh “Chính phủ cũng đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino, sẽ cho phá sản ngân hàng yếu kém”.
Giải pháp này có tác dụng cảnh tỉnh rất nhiều trước thực trạng ồ ạt mở ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi Nhà nước phải mua lại 0 đồng và đứng ra lo…
Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí chiều 26/10, TS Nguyễn Đức Kiên giải nghĩa câu nói “Sẽ thí điểm phá sản ngân hàng” của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói trong phiên thảo luận tổ vừa qua cần diễn giải đầy đủ là: ngay cả trong trường hợp phải cho phá sản ngân hàng thì cũng sẽ làm…
Theo ông Kiên, đặt trong bối cảnh ngân hàng đó thì phương án cho phá sản ngân hàng là tối ưu, chứ không phải là cho thí điểm phá sản ngân hàng.
Trả lời câu hỏi của Tạp chí Thương Gia “trong bối cảnh hệ thống ngân hàng hiện nay, đã có 3 ngân hàng bị mua 0 đồng vậy trong 5 năm tới, nên chọn phương án 0 đồng hay cho phá sản tốt hơn?”, TS Kiên cho rằng, tuỳ từng ngân hàng, từng thời điểm cụ thể quyết định phương án xử lý. Ở thời điểm năm 2015, việc NHNN đứng ra mua lại bắt buộc ngân hàng 0 đồng là chính xác, đảm bảo cho ổn định hệ thống với chi phí thấp nhất.
Còn thời điểm này đặt vấn đề này thì chưa chắc đã chọn phương án mua 0 đồng. Đơn cử, như mua 0 đồng với ngân hàng OceanBank và VNCB, qua vụ án xét xử VNCB cho thấy có sự kiên kết với OceanBank và loạt tài sản bất động sản của nhiều cá nhân, tổ chức. Đã có chuyện cố tình làm trái, nâng giá đất nông nghiệp cao lên để vay vốn, rút tiền ngân hàng. Các nhà đầu tư của ngân hàng phải chịu trách nhiệm về việc làm ăn kém hiệu quả, sai phạm… Và nếu không, họ sẽ bị xử lý.
Trong tình huống cho phá sản ngân hàng, theo ông Kiên, sẽ có những tiêu chí “sàng lọc” ngân hàng yếu kém, xem nhà băng nào “xứng đáng” phải cho phá sản…
Liên quan đến quá trình xử lý nợ xấu ngân hàng còn khó khăn, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, NHNN cần báo cáo Chính phủ và xin ý kiến Quốc hội để xây dựng một luật riêng về xử lý nợ xấu hình thành trong giai đoạn 2007-2013.
Còn nợ xấu phát sinh trong giai đoạn tháng 7/2013 trở lại đây thì áp dụng theo pháp luật hiện hành. Bởi nợ xấu đang có vướng mắc ở khâu xử lý được tài sản bảo đảm, muốn xử lý được thì phải sửa rất nhiều luật, chứ không riêng một đạo luật. Song luật pháp cần có sự ổn định và tính dài hạn.
Do đó, cần có báo cáo phân tích nợ xấu từ thời kỳ hình thành, nêu rõ các điều khoản gây ra vướng mắc cần xử lý tại từng luật như Luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Thừa kế, Luật Nhà ở… cũng như các bất cập trong quy định liên quan đến tài sản bảo đảm. Khi có cơ chế thì mới xác định nguồn lực tài chính để thực hiện cơ chế đó.
Thu Hằng