Khu vực miền Trung – Tây Nguyên cần thêm những công trình du lịch đẳng cấp
Nhưng để đưa “con đường” tới “thiên đường”, cần phải khởi dựng từng nấc thang một cách quyết liệt.
Phát triển dưới tiềm năng
Orlando (Mỹ) được mệnh danh là "Thủ đô công viên chủ đề của thế giới". Cả bang chỉ có dân số trên 2 triệu người và diện tích 294,6 km2 mà có tới 4 công viên giải trí lớn là Walt Disney World Resort, Universal Studios Orlando, Sea World, Gatorland và nhiều công viên nước, vườn thú… Chỉ bằng ¼ diện tích của Đà Nẵng, nhưng mỗi năm Orlando đón hơn 50 triệu du khách, gấp 4 lần lượng khách quốc tế tới Việt Nam năm 2018. Du lịch Orlando tăng trưởng nhanh chóng từ cuối thế kỷ 20, phần lớn nhờ vào thành công của những tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp.
Miền Trung - Tây Nguyên, mặc dù được đánh giá là “một trong số ít những nơi trên thế giới hội tụ những yếu tố cần thiết để phát triển dịch vụ du lịch cao cấp” nhưng cả khu vực này đếm đi tính lại cũng mới chỉ có vài khu du lịch giải trí, tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng (Sun World Ba Na Hills, Sun World Danang Wonders, Công viên suối khoáng nóng Thần Tài…), Nha Trang (Vinpearl Land).
Hiện mới chỉ có Đà Nẵng, Nha Trang được đầu tư lớn về hạ tầng du lịch
Để tạo nên một tăng trưởng đột phá “kiểu Orlando” của vài chục năm trước, miền Trung -Tây Nguyên cần “những tổ hợp vui chơi giải trí quốc tế, dịch vụ giải trí về đêm, những chương trình biểu diễn nghệ thuật đẳng cấp quốc tế, những công viên biển để khai thác thế mạnh vùng duyên hải…”- ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group nêu ý kiến này ở Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên tổ chức tại Thừa Thiên Huế hôm 16/2.
Công bằng mà nói, những năm gần đây, du lịch miền Trung - Tây Nguyên cũng đã “thay da đổi thịt”. Song, theo một nghiên cứu của TS Bùi Quang Bình (ĐH Kinh tế Đà Nẵng), thì việc đầu tư thấp dẫn tới phát triển vẫn dưới tiềm năng.
TS Bình lấy ví dụ từ Đà Nẵng – có thể xem là "mức chuẩn" để thấy rõ hơn những tiềm năng đang bị bỏ lỡ này. Hầu hết 10 địa phương trong khu vực, tỉnh nào cũng có hiệu suất khai thác chưa đến 10% số khách so với Đà Nẵng, hay doanh thu chỉ tầm 3,5% đến 15% (ngoài Khánh Hoà xấp xỉ 50%). Nguyên nhân là do du lịch phát triển nhanh về tổng thể nhưng vẫn thiếu tập trung thành khu hay trung tâm, cơ sở hạ tầng phát triển không theo kịp, giữa các tỉnh lại manh mún và chia cắt, sản phẩm thiếu sức thu hút khách đẳng cấp…
Chỉ riêng về cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, tính ra ngoài Đà Nẵng, Nha Trang là 2 trung tâm du lịch lớn thì ngay cả Đà Lạt cũng mới chỉ có khoảng 5 khách sạn 5 sao. Các tỉnh Tây Nguyên khác, số khách sạn chất lượng cao đếm trên đầu ngón tay.
Những nấc thang tới thiên đường
Cũng tại Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên, TS Huỳnh Thế Du (ĐH Fulbright) cho rằng, để đưa “con đường di sản” thành “thiên đường nghỉ dưỡng” thì cần phải thúc cơ chế hợp tác vùng thực sự, chẳng hạn như nghiên cứu hạ tầng dùng chung, hình thành các cụm du lịch như Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, có những cụm dịch vụ và sản phẩm du lịch bổ trợ nhau.
PGS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch lại nhận định việc phát triển từ "điểm" sang “vùng” sẽ tạo ra chuỗi du lịch để mỗi địa phương góp một phần đặc sắc. PGS Lương đặc biệt chú trọng đề xuất giải pháp cơ chế chính sách tạo đột phá là phát triển hạ tầng du lịch đẩy mạnh liên kết vùng như: cho phép nhà đầu tư tham gia không giới hạn về tỷ lệ vốn; xem xét áp dụng cơ chế cho phép tư nhân đầu tư và khai thác đầu mối hạ tầng giao thông, tương tự như chính sách áp dụng cho Sân bay quốc tế Vân Đồn và Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long tại Quảng Ninh.
Các chuyên gia đều cho rằng, tạo cơ chế để thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này là phương án tốt nhất để vừa có được những sản phẩm chất lượng, vừa được triển khai nhanh chóng. Tất nhiên chính quyền cần đưa ra cơ chế, tạo điều kiện về thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính… Không phải nhìn sang tận Orlando xa xôi, Đà Nẵng là một ví dụ điển hình trong vấn đề này. Trong thành công của du lịch Đà Nẵng, nổi lên vai trò của những nhà đầu tư chiến lược, những “sếu đầu đàn” như Sun Group, Vingroup...
Cầu Vàng – một trong những công trình ấn tượng của Đà Nẵng
Đơn cử, riêng “sếu đầu đàn” Sun Group đã cho du lịch Đà Nẵng những công trình nổi tiếng toàn cầu như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort - khu nghỉ dưỡng 4 năm liên tiếp đạt giải sang trọng nhất thế giới; Premier Village Danang Resort- Khu nghỉ dưỡng biển sang trọng nhất thế giới dành cho gia đình do World Luxury Hotel Awards trao tặng; Sun World Ba Na Hills –khu du lịch hàng đầu Việt Nam 4 năm liên tiếp. Đặc biệt năm 2018, Sun World Ba Na Hills đã khiến cả thế giới phải đổ dồn sự chú ý về Đà Nẵng với hiện tượng Cầu Vàng. Tập đoàn này cũng đang từng bước cùng với Đà Nẵng hình thành nên một thương hiệu “thành phố pháo hoa”, bằng một Lễ hội pháo hoa Quốc tế được đầu tư quy mô, hoành tráng.
Trong vòng 10 năm kể từ 2007, lượng du khách đến thành phố tăng gấp 5 lần, doanh thu xấp xỉ 20 ngàn tỷ đồng. Số lượng khách sạn 10 năm qua cũng tăng 10 lần và du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Đà Nẵng thành "thủ phủ du lịch miền Trung".
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group
Bổ sung ý kiến của các chuyên gia, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group còn nhấn mạnh việc tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, từ sân bay, cảng biển đến cao tốc. “Cả dải duyên hải miền Trung chưa có một cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt trong khi, trên bản đồ du lịch tàu biển châu Á, Việt Nam đứng thứ 4 sau Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan về số du thuyền ghé thăm. Hội đồng Sân bay Quốc tế cũng dự báo Việt Nam là thị trường tăng trưởng hành khách nhanh nhất thế giới trong nhóm thị trường trên 50 triệu hành khách giai đoạn 2016 – 2040” - ông Trường nói.
Từng bước tận dụng nguồn lực từ kinh tế tư nhân để xây dựng đồng bộ từ cơ sở hạ tầng giao thông đến cơ sở hạ tầng du lịch và sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, đắp bù những thiếu thốn, bổ sung trải nghiệm bên cạnh những thắng cảnh thiên nhiên không nơi nào có được, “con đường” sẽ trở thành “thiên đường”, một ngày không xa.