Ngoài ra, UBCKNN sẽ điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn.
Cụ thể, trong cuộc họp với 23 CTCK và các thành viên thị trường mới đây, UBCKNN đã yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của CTCK. Trước đó, từ 1/3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã ngừng cung cấp số liệu này.
Theo Khoản 30, Điều 4, Luật Chứng khoán năm 2019, tự doanh chứng khoán là việc công ty chứng khoán mua, bán chứng khoán cho chính mình. Có thể hiểu đơn giản, tự doanh chứng khoán là hoạt động một CTCK tự mua bán giao dịch chứng khoán cho mình nhằm hưởng lợi nhuận từ lợi tức hay chênh lệch giá trên thị trường.
Cùng với đó, để hạn chế khả năng tác động giá từ thị trường chứng khoán phái sinh lên thị trường chứng khoán cơ sở, UBCKNN đã chấp thuận cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) ban hành Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh. Trong đó, một trong những điểm mới của quy chế này là điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30.
Theo đó, giá thanh toán cuối cùng sẽ là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa) sau khi đã loại trừ đi 3 mức giá trị chỉ số cao nhất và 3 mức giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục, thay vì chỉ lấy giá trị chỉ số VN30 phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như cách tính trước đây.
Lãnh đạo UBCKNN cho biết, việc tính giá thanh toán cuối cùng theo phương pháp nêu trên sẽ được VSD áp dụng sau khi Sở giao dịch hoàn tất điều chỉnh thông tin hợp đồng mẫu và công bố tối thiểu sau 7 ngày làm việc theo quy định hiện hành.
Trước đó, trao đổi với truyền thông ngày 12/5, đại diện UBCKNN cho biết, TTCK trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như FED tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá năng lượng,...
Lãnh đạo UBCKNN cho rằng, mặc dù TTCK Việt Nam vẫn được kỳ vọng rất lớn sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có thể còn có sự biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư.