Trong báo cáo chiến lược tỷ giá và lãi suất tháng 5/2025 thực hiện bởi Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế Toàn cầu của Ngân hàng UOB nhận định đồng USD đã trải qua một tháng 4 đầy biến động, trong bối cảnh thị trường dấy lên nhiều tin đồn về xu hướng phi đô la hoá.
Tâm điểm xoay quanh các giả thuyết liên quan đến “Hiệp định Mar-a-Lago”, được cho là bao gồm các biện pháp áp thuế thương mại và làm suy yếu đồng USD.
Tuy nhiên, theo UOB, nguyên nhân chính dẫn đến việc USD bị bán tháo sau kỳ nghỉ lễ “Ngày Giải phóng”, đặc biệt là khi giảm mạnh so với đồng Đài tệ (TWD), nhiều khả năng đến từ hoạt động bán ra lượng USD tích trữ trước đó của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trước bối cảnh đó, UOB giữ quan điểm rằng đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu so với các đồng tiền mạnh khác. Chỉ số USD Index (DXY) được dự báo sẽ rơi xuống vùng giao dịch mới dưới mốc 100, và có thể giảm sâu về mức 96,9 vào quý 1/2026.
Song song với đó, nhóm phân tích điều chỉnh dự báo tỷ giá EUR/USD lên mức 1,17 và GBP/USD lên 1,39 trong quý 1/2026. Riêng AUD được đánh giá đã phục hồi quá nhanh sau nhịp điều chỉnh trước đó, nên mức tăng sẽ hạn chế hơn, chỉ đạt khoảng 0,66. Trong khi đó, đồng JPY sẽ tăng giá dần theo lộ trình nới lỏng nhẹ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, đạt mức 140 USD/JPY trong quý 1/2026.
Đối với nhóm tiền tệ châu Á (Asia FX), mặc dù giai đoạn biến động mạnh đầu tháng 4 đã qua, UOB cảnh báo vẫn còn nhiều rủi ro có thể kìm hãm đà phục hồi, như sự bất định quanh kết quả đàm phán thương mại Mỹ - Trung và triển vọng kinh tế khu vực chưa cải thiện rõ nét.
Theo đó, UOB cho rằng đà phục hồi gần đây của các đồng tiền châu Á có phần quá mức. Tuy nhiên, so với báo cáo tháng trước, ngân hàng đã điều chỉnh giảm các mức đỉnh dự kiến của tỷ giá USD/Asia trong quý 3/2025, phản ánh khả năng giai đoạn căng thẳng nhất của chiến tranh thương mại đã qua.
Theo đó, UOB dự báo USD/CNY sẽ ở mức 7,32; USD/SGD ở mức 1,32; USD/MYR ở 4,38; USD/THB đạt 33,5; USD/IDR ở mức 16.800 và USD/VND ở mức 26.300 trong quý 3/2025.
Đáng chú ý, trong bối cảnh các đồng tiền châu Á hồi phục mạnh trong tháng 4, VND lại đi ngược xu hướng khi giảm 1,6%, xuống còn 25.990 VND/USD. Diễn biến này được cho là phản ánh lo ngại về tác động tiêu cực lên kinh tế Việt Nam, sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế lên tới 46% đối với hàng hoá Việt – mức cao thứ hai toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc.
Chỉ số PMI ngành sản xuất cũng giảm mạnh xuống còn 45,6 điểm (mức thấp nhất trong hai năm), cho thấy sự thận trọng của nhà sản xuất trong bối cảnh bất ổn thương mại. UOB cho rằng nếu không đạt được thỏa thuận với Mỹ, VND sẽ tiếp tục suy yếu so với USD.
Theo dự báo cập nhật, tỷ giá USD/VND sẽ đạt 26.100 trong quý 2, 26.300 trong quý 3, giảm nhẹ về 26.000 trong quý 4/2025 và về mức 25.800 trong quý 1/2026.
Về triển vọng lãi suất, UOB tiếp tục giữ quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay, dù thời điểm cắt giảm đã được điều chỉnh lùi lại.
Cụ thể, Fed được dự báo sẽ thực hiện ba đợt cắt giảm lãi suất, mỗi đợt 25 điểm cơ bản tại các kỳ họp FOMC tháng 9, 10 và 12, đưa lãi suất chính sách từ 4,5% xuống còn 3,75% vào cuối năm 2025.
Đối với thị trường vàng, nhóm phân tích cho rằng nhu cầu trú ẩn an toàn tiếp tục được duy trì, cùng với việc các ngân hàng trung ương đều đặn tăng tỷ trọng nắm giữ vàng, kỳ vọng USD suy yếu và khả năng dòng vốn quay lại các quỹ ETF vàng tại Mỹ. Tất cả yếu tố này tạo điều kiện hỗ trợ tích cực cho giá vàng. Do đó, UOB giữ nguyên quan điểm tích cực và nâng dự báo giá vàng lên mức 3.600 USD/ounce vào quý 1/2026.