Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sửa đổi 7 dự án luật nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Các dự án luật được đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều đều thuộc những lĩnh vực quan trọng, dễ phát sinh vướng mắc ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh như chứng khoán, quản lý thuế, kiểm toán…

Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trong khuôn khổ chương trình làm việc của Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia.

Trình bày tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về tài chính cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần phải được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Chính phủ đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các Luật trong lĩnh vực tài chính – ngân sách và đã xác định 7 Luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản luật có quy định liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân sách như Luật Đất đai năm 2024, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Đầu tư công,... Do đó, cần phải rà soát, nghiên cứu để quy định cho đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

Về phía cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách nhất trí cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các Luật thuộc dự án Luật nhằm tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Cùng với đó, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Kiểm toán độc lập.

Đưa ý kiến tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật cũng cần mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin – cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác.

Đặc biệt, các dự án Luật cũng cần có chế tài xử lý nghiêm đối với những hành vi thao túng thị trường chứng khoán; kêu gọi, chào bán trái phiếu tới người dân nhưng không đúng quy định làm ảnh hưởng lớn tới hệ thống ngân hàng... Trên cơ sở vẫn phải là đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc tại các quy định pháp luật hiện hành. Kế thừa và phát huy những quy định hiện hành đã được thực tiễn chứng minh đem lại các tác động tích cực đến kinh tế-xã hội của đất nước.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến cơ quan thẩm tra và các nguyên tắc để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật, thu hẹp các điều khoản đề nghị sửa đổi, đảm bảo các vấn đề cần thiết, cấp bách cần sửa ngay, đạt sự đồng thuận cao.

Các nội dung còn lại đề nghị tiếp tục rà soát, sửa đổi khi sửa đổi toàn diện các luật. Ủy ban Tài chính, Ngân sách khẩn trương thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh sự kiện Gala Doanh nhân Thăng Long 2024

Toàn cảnh sự kiện Gala Doanh nhân Thăng Long 2024

Chương trình “Gala Doanh nhân Thăng Long 2024” là dịp mọi người ngồi lại để cùng nhau chia sẻ, nhìn lại những chặng đường đã qua và tiếp tục định hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo của đội ngũ doanh nhân Thủ đô trong thời kỳ mới...

Gặp gỡ doanh nghiệp Việt – Nga: Tìm kiếm cơ hội hợp tác

Gặp gỡ doanh nghiệp Việt – Nga: Tìm kiếm cơ hội hợp tác

Trong hai ngày 2 - 3/10, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga đã phối hợp với Công ty CP Sản xuất và Thương mại Altai Sibiri tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp đến từ vùng Amur (Liên bang Nga) và các doanh nghiệp Việt Nam...

VACOD-HBA “nối vòng tay lớn”, vươn tầm quốc tế

VACOD-HBA “nối vòng tay lớn”, vươn tầm quốc tế

Hội nghị, Hội thảo quốc tế về xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024 tháng 10/2024 với chủ đề VACOD - ĐIỆN BIÊN: TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI – HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI lần đầu có sự tham dự của đại biểu quốc tế, ngay sau đó diễn ra các hoạt động, kết nối giao thương với nước bạn Lào...

Doanh nghiệp đồng hành cùng Gala Doanh nhân Thăng Long 2024

VNPTEVNHanelDaewooDu lịch Hà NộiEurowindowGeleximcoHandicoHà Nội groupHaproMay 10May Hồ GươmQuân Đức Thảo dượcROXSâm Ngọc LinhThi SơnThuỷ TạUDICViệt Mỹ