Tham dự buổi làm việc có bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm; ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro); bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh; bà Nguyễn Thùy Dương, Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu 3D Quốc tế; bà Đào Thị Hương, Giám đốc kinh doanh Nhà may Ba Thành…
NHANH CHÓNG THỰC HIỆN HOÁ MONG MUỐN CỦA CHÍNH PHỦ HAI NƯỚC
Tại cuộc trao đổi, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội - HBA nêu bật, sau chuyến thăm của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đến Việt Nam hồi tháng 8/2023, vào tháng 9/2023 đoàn Quốc hội Việt Nam do Uỷ viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dẫn đầu đã sang thăm và làm việc tại Kazakhstan. Đoàn doanh nghiệp xúc tiến thương mại do VACOD-HBA phối hợp tổ chức bên cạnh Đoàn Quốc hội Việt Nam đã sang thăm và làm việc tại Kazakhstan. Đoàn công tác đã tham gia trưng bày sản phẩm tại Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng địa phương.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cho biết, qua trao đổi với bà Phạm Thái Như Mai, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kazakhstan và Kyrgyzstan có thể khẳng định rằng người dân Kazakhstan có tình cảm đặc biệt với hàng Việt Nam. Họ đánh giá cao chất lượng, mẫu mã và giá cả hợp lý của các sản phẩm Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ hàng Việt Nam tại Kazakhstan đang tăng cao, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Asset Nokin, Giám đốc điều hành Công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn SEA Group chia sẻ, đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam và có cơ hội tham quan một số nhà máy sản xuất tại khu vực lân cận Hà Nội. Ông đánh giá cao trải nghiệm này và bày tỏ mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
“Mục đích chính của chuyến thăm của chúng tôi nhằm thực hiện hóa mong muốn của Chính phủ hai nước trong việc nâng cao kim ngạch thương mại và giao thương giữa Việt Nam và Kazakhstan. Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan, SEA Group có kế hoạch mở văn phòng giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại Kazakhstan. Văn phòng này sẽ giúp các doanh nghiệp và người dân Kazakhstan có cơ hội tham quan, trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam”, ông Asset Nokin nói.
Ông Asset Nokin tin tưởng rằng SEA Group có thể trở thành đối tác tin cậy cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang Kazakhstan và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Doanh nghiệp Việt có thể giao phó và tin tưởng SEA Group để cùng nhau hợp tác.
Ngoài hỗ trợ xuất khẩu, SEA Group cũng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm, kết nối và tìm kiếm các sản phẩm từ Kazakhstan mà Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu.
HAI CHIẾN LƯỢC THÚC ĐẨY THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - KAZAKHSTAN
Bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm đã chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu và thanh toán quốc tế trong buổi làm việc. Theo bà Ty, mặc dù chưa xuất khẩu trực tiếp sang Kazakhstan, nhưng bà đã có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu sang các thị trường khác như Nga, Nhật Bản và Châu Âu.
“Việc lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp là rất quan trọng trong xuất khẩu. Hiện nay có 3 hình thức thanh toán phổ biến khi xuất khẩu sang Nga là thanh toán bằng đồng USD, đồng Rúp và VNĐ. Tuy nhiên, dù thanh toán bằng hình thức nào thì cuối cùng cũng cần quy đổi sang VNĐ”, Phó Chủ tịch HBA nhấn mạnh.
Bà Ty lưu ý thêm, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ về thị trường mục tiêu, bao gồm cả các quy định về thanh toán. Doanh nghiệp cũng nên lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, Hapro là một doanh nghiệp hoạt động trong hai lĩnh vực chính là xuất nhập khẩu và thương mại nội địa. Hapro có hệ thống siêu thị, kinh doanh bất động sản và xuất khẩu hàng năm hơn 100 triệu USD.
Hapro đã 7 lần liên tiếp đạt thương hiệu quốc gia về kết quả và uy tín trong hoạt động xuất khẩu. Một số sản phẩm của Hapro như gạo đạt thương hiệu quốc gia. Thị trường Đông Âu và các nước Liên Xô cũ là thị trường mà Hapro đặc biệt quan tâm và đã gặt hái được nhiều thành công.
Ông Tuấn cũng đánh giá cao tiềm năng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan, đặc biệt là thị trường của 5 nước đã ký Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan).
“Với kinh nghiệm và tiềm năng của mình, Hapro có thể trở thành đối tác tin cậy cho các doanh nghiệp Kazakhstan trong việc hợp tác thương mại. Buổi làm việc này hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới cho Hapro và các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thâm nhập thị trường Kazakhstan đầy tiềm năng”, ông Lê Anh Tuấn khẳng định.
Với hệ thống hàng trăm đại lý thu mua đặt tận chân các bản, xã tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh cho biết, trong hơn 25 năm qua, sản phẩm gạo Bảo Minh đã được các cơ quan nhà nước, bộ, ban, ngành và các tổ chức quốc tế ghi nhận trao nhiều bằng khen, giải thưởng như: Thương hiệu uy tín Đông Nam Á (top 100), Việt Nam Best Foods, hàng Việt Nam chất lượng cao, nhiều năm liền đạt giải Bông lúa vàng…
“Bảo Minh là đối tác tin cậy trên 10 năm của các tập đoàn trong và ngoài nước như Metro, Big C, Co.op mart, Lotte, Aone... và đặc biệt là tập đoàn Vingroup. Bảo Minh không những là nhà cung cấp chính về gạo tại chuỗi siêu thị Vinmart mà còn phục vụ tại hệ thống Vinschool với những yêu cầu rất khắt khe về đầu vào thực phẩm cho các cháu mẫu giáo, tiểu học”, bà Hiếu nhấn mạnh.
Bà Hiếu mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Kazakhstan để xuất khẩu gạo sang thị trường này. “Bảo Minh sẵn sàng làm việc với các đối tác Kazakhstan để nghiên cứu thị trường và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại sớm nhất. Hy vọng sẽ có những lựa chọn mặt hàng chiến lược để xuất khẩu sang Kazakhstan”, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh quả quyết.
Chia sẻ tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thùy Dương, Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu 3D Quốc tế (3D) cho biết, 3D là một doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung cấp các mặt hàng nông sản và thực phẩm nổi tiếng hàng đầu ở Việt Nam. Công ty chuyên chế biến và cung cấp các loại nông sản, thực phẩm có chất lượng cao như các loại rau, củ, quả sấy khô, các loại gia vị, các loại hạt bí, hạt tiêu, đỗ…
Bà Dương khẳng định rằng 3D luôn tập trung đặc biệt để xây dựng các tiêu chuẩn liên quan tới chất lượng sản phẩm. Công ty đã đầu tư, cập nhật và áp dụng nhiều công nghệ sản xuất hiện đại để tung ra các sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng theo nhu cầu của khách hàng.
Về phần mình, Bà Đào Thị Hương, Giám đốc kinh doanh của Nhà may Ba Thành chia sẻ, Ba Thành là một nhà may lâu đời và nổi tiếng được thành lập tại Sài Gòn từ năm 1965. Ba Thành chuyên may veston, áo sơ mi và áo dài với chất lượng cao và phong cách thời trang hiện đại. Bà Hương cho biết, Ba Thành sẵn sàng hợp tác với các đối tác Kazakhstan để đưa các sản phẩm thời trang cao cấp của Việt Nam đến với người tiêu dùng Kazakhstan.
Sau khi lắng nghe những triển vọng hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước, ông Asset Nokin, Giám đốc điều hành Công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn SEA Group đã chia sẻ chiến lược thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Kazakhstan.
Ông Asset Nokin bật mí, SEA Group đang xây dựng hai chiến lược chính để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Kazakhstan. Thứ nhất, SEA Group đang xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam và các loại mặt hàng mà họ cung cấp. Cơ sở dữ liệu này sẽ giúp các doanh nghiệp Kazakhstan dễ dàng tìm kiếm và kết nối với các nhà cung cấp Việt Nam phù hợp.
Thứ hai là kế hoạch xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm và phân phối hàng hóa Việt Nam tại nhiều thành phố trên khắp Kazakhstan. Các cửa hàng này sẽ giúp người tiêu dùng Kazakhstan tiếp cận và trải nghiệm các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao.
Ông Asset Nokin hy vọng rằng hai chiến lược này sẽ giúp thúc đẩy thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Kazakhstan. Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng thương hiệu Việt Nam tại Kazakhstan còn khá non trẻ và cần được quảng bá mạnh mẽ hơn.
TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA lưu ý, việc kết hợp hai hình thức hợp tác, sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp trong tương lai. Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhận định rằng trong buổi làm việc đầu tiên này, hai bên chưa thể trao đổi sâu về các công tác cụ thể. Hai bên cần tiếp tiếp tục trao đổi thông tin sau buổi làm việc này.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cam kết VACOD và HBA sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với ông Asset Nokin. Hai hiệp hội cũng sẽ nhanh chóng cung cấp thông tin của các doanh nghiệp cho ông Asset Nokin và ngược lại.
Buổi làm việc đã mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa doanh nghiệp Việt Nam và Kazakhstan. VACOD và HBA sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hợp tác với Kazakhstan.
Trong 11 tháng cuối năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan đạt 939,6 triệu USD, cao hơn 95,7% so với cùng kỳ năm trước (480,0 triệu USD).