Cuộc làm việc lần này được thực hiện theo văn bản hoả tốc số 4186/VPCP-KSTT ngày 7/6/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị VACOD và HBA tổng hợp, cung cấp những khó khăn, vướng mắc, bất cập cũng như kiến nghị, đề xuất cải cách các quy định nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh.
Lãnh đạo Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội - HBA đã cùng các lãnh đạo các cơ quan Trung ương, chuyên gia cao cấp và hơn 50 doanh nghiệp tổ chức đoàn khảo sát về môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu tỉnh Hải Dương
Khảo sát hai doanh nghiệp tiêu biểu
Chương trình có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan Trung ương và chuyên gia cao cấp như: PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Mai Xuân Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội và Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng - Nguyên Tư lệnh Binh Đoàn 11...
Về phía lãnh đạo VACOD và HBA, dẫn đầu là TS Nguyễn Hồng Sơn - Nguyên Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA, cùng các Phó Chủ tịch, các vị Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban chấp hành và hơn 50 doanh nghiệp của hai Hiệp hội.
Tại Hải Dương, đoàn đã làm việc với Công ty TNHH Tập đoàn Quang Giáp, Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, tham quan dự án đầu tư bất động sản của Tập đoàn Quang Giáp.
Tại Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, TS. Nguyễn Hồng Sơn - Nguyên Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VACOD và HBA cho biết: "Chúng tôi nhận được văn bản hoả tốc số 4186/VPCP-KSTT ngày 7/6/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị VACOD và HBA khảo sát, tổng hợp, cung cấp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đề xuất cải cách các quy định để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về các hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh".
Thực hiện tinh thần trên, ngoài việc gửi văn bản lấy ý kiến các doanh nghiệp, các địa phương, hai Hiệp hội tổ chức khảo sát đến từng doanh nghiệp. Bên cạnh báo cáo của các doanh nghiệp, hai Hiệp hội còn muốn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Đặc biệt, tham gia đoàn khảo sát còn có các lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thể hiện sự quan tâm, sâu sát trong chiến lược xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh, kịp thời nắm bắt các vấn đề thực tiễn phát sinh nhằm xây dựng cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh thuận lợi, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
"Với tinh thần ấy, chúng tôi chọn Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu (thành viên của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần HAPRO, thuộc tập đoàn BRG) là một trong hai đơn vị khảo sát lần này. Hiện nay, Chu Đậu đang có những khó khăn và thuận lợi nhất định", TS Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ.
Theo Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn, Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu có thể kiến nghị về cơ chế chính sách, những vấn đề liên quan đến sản xuất (người lao động, nguyên liệu đầu vào, phát triển thị trường...) với đoàn khảo sát. Đặc biệt các kiến nghị càng cụ thể, càng sát thực tế, có tác động trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp được khuyến khích. Đây chính là những kiến nghị mà đoàn muốn tiếp nhận để tổng hợp trình Chính phủ.
Về phía doanh nghiệp, Ban lãnh đạo Công ty Gốm Chu Đậu đã giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của dòng gốm cổ Chu Đậu cũng như của Công ty. "Mặc dù đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất để phục hưng lại gốm Chu Đậu, đưa sản phẩm trở thành lựa chọn làm quà tặng ngoại giao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhưng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa thì Chu Đậu vẫn cần sự góp sức của các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương, Hiệp hội", đại diện công ty Gốm Chu Đậu chia sẻ.
Vị này giãi bày: "Như các quý vị cũng thấy, hôm nay công ty bị cắt điện, khá nóng nực. Đây cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì công ty đã nhận các đơn hàng, nhưng lịch cắt điện tương đối dày chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sản xuất".
Đại diện công ty Gốm Chu Đậu đề nghị cơ quan chức năng xem xét sửa đổi các quy định về đấu thầu để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. “Hiện nay, cứ các khoản trên 100 triệu đồng là phải tổ chức đấu thầu. Trong khi, thủ tục thầu rất phức tạp, bất cập và mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, 100 triệu là mức khá thấp. Do đó, chúng tôi có đề xuất nâng mức tối thiểu phải tổ chức đấu thầu là 500 triệu đồng", lãnh đạo công ty Gốm Chu Đậu bày tỏ.
Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam, có niên đại vào khoảng thế kỷ XII- XIII, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV-XVI trong suốt thời kỳ Lý - Trần - Lê - Mạc. Sang thế kỷ XVII gốm Chu Đậu bị thất truyền.
Hiện gốm cổ Chu Đậu đang được trân trọng lưu giữ tại 46 bảo tàng danh tiếng ở 32 quốc gia trên thế giới. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sau hơn 400 năm thất truyền, năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội – HAPRO đã quyết định thành lập Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu với sứ mệnh phục hưng dòng gốm cổ Chu Đậu.
Sau khi làm việc với công ty Gốm Chu Đậu, đoàn khảo sát đã đi thăm dự án đầu tư bất động sản của Tập đoàn Quang Giáp - Dự án Khu đô thị Phú Quý Golden Land. Dự án khu đô thị này nằm cạnh đường quốc lộ 37, cách đường cao tốc 5B tầm 2km, thuộc khu 2, phường Thạch Khôi và phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Dự án Khu đô thị Phú Quý Golden Land có tổng diện tích quy hoạch 87,6ha và được chia làm hai giai đoạn, với tổng mức đầu tư lên 1.700 tỷ đồng.
Dự án có sản phẩm khá đa dạng, từ shophouse, nhà liền kề, biệt thự và được thiết kế theo phong cách kiến trúc châu Âu, hướng đến một phong cách sống xanh, thân thiện với cộng đồng, gần gũi với thiên nhiên, đón đầu xu thế của những đô thị hiện đại trong tương lai.
Lắng nghe để đồng hành, hỗ trợ
Cũng trong ngày 16/6, đoàn khảo sát của VACOD và HBA đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương về môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh của tỉnh. Về phía lãnh đạo và hiệp hội tỉnh Hải Dương gồm có: Ông Lưu Văn Bản, Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương; ông Nguyễn Anh Cương, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương; bà Lương Thu Hương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương cùng đại diện các sở, ban, ngành, các Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp và lãnh đạo các doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho biết, dân số của Hải Dương hiện nay là 2,1 triệu người, với 12 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 2 thành phố và 1 thị xã.
Về vị trí kinh tế, Hải Dương nằm trong tam giác kinh tế giữa Hà Nội và các tỉnh thành phố khác. Tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh chưa thực sự phát huy được lợi thế của mình do kết nối giao thông cũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, tỉnh đang hình thành và thực hiện 4 trục giao thông đồng bộ quan trọng với các tỉnh thành và huyện thị.
Ngày 20/6, Hải Dương bảo vệ đồ án quy hoạch tỉnh trước Hội đồng Quốc gia, trong đó, vấn đề giao thông là phần rất quan trọng. "Ngoài giao thông hiện hữu thì chúng tôi xây dựng kết nối giao thông với các khu vực trong tỉnh. Một phần ngân sách từ Bộ Giao thông Vận tải, một phần ngân sách của tỉnh, với vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Điều này tạo dư địa phát triển cho Hải Dương trong tương lai,...", ông Lưu Văn Bản cho biết.
Bên cạnh hạ tầng giao thông, tỉnh Hải Dương còn chú trọng phát triển nông nghiệp. Hải Dương có một số hàng hoá có thế mạnh đó là các cây ăn quả, cây rau màu tập trung, chăn nuôi gia súc gia cầm. Diện tích có thể thu hẹp, nhưng chất lượng và sản lượng phải gia tăng.
Ngoài ra, tỉnh còn dành quỹ đất phát triển khu công nghiệp. Tỉnh đang hình thành khu công nghiệp thứ 12, bắt đầu đi vào hoạt động. Trong quy hoạch tỉnh đến 2030, Hải Dương sẽ có 33 khu công nghiệp, với tổng diện tích hơn 5.000 ha. Đồng thời, hình thành 61 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Bản, định hướng của tỉnh Hải Dương đến 2030 cơ bản trở thành thành phố công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư. Còn tại thời điểm hiện tại, tỉnh còn rất nhiều khó khăn và điểm nghẽn, nhưng cũng đang còn dư địa phát triển rất mạnh. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thị trường bất động sản nói chung và các doanh nghiệp tham gia đầu tư bất động sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng cũng không nằm ngoài khó khăn chung của thị trường. UBND tỉnh Hải Dương luôn đồng hành, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp.
"Hôm nay, đoàn khảo sát về với Hải Dương, tỉnh rất mong nhận được sự giúp đỡ, phối hợp của các Hiệp hội, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng hàng hoá gắn với Hải Dương, rồi phát triển hạ tầng, công nghệ gắn với Hải Dương. Thay mặt lãnh đạo UNBD tỉnh, tôi rất trân trọng, mong đón nhận được sự quan tâm, trao đổi những kinh nghiệm quý báu, sự đồng hành, giúp đỡ của quý vị cho tỉnh ngày càng phát triển", Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.
Đại diện doanh nghiệp của tỉnh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Quang Giáp - ông Đàm Văn Giáp chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp.
Ông Giáp cho biết, Tập đoàn Quang Giáp có khởi đầu từ việc kinh doanh dịch vụ vận tải đường bộ, kinh doanh xe máy, đến nay, Tập đoàn Quang Giáp đã trở thành một đơn vị kinh doanh đa ngành nghề, trong đó nổi bật là xây dựng, bất động sản.
Các dự án tiêu biểu của Tập đoàn gồm: Dự án Khu đô thị mới Việt Hòa - Thanh Bình; Đầu tư xây dựng Tổ hợp công trình hỗn hợp tại lô đất CCC05; Khu đô thị cao cấp Phú Quý Golden Land giai đoạn 1… Với nội lực của Tập đoàn và tâm niệm giữ gìn uy tín với khách hàng, những dự án này luôn được chủ đầu tư đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, mỹ thuật...
Thời gian qua, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và phấn đấu. Tuy nhiên, do tình hình khó khăn chung của thị trường, Tập đoàn Quang Giáp đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Ngoài ra, dự án của công ty còn vướng mắc trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng của các hộ dân liên quan đến việc xác định hệ số điều chỉnh đơn giá đất ở nên chưa triển khai giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư thi công thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn như: Khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng và huy động vốn của khách hàng dẫn đến thiếu vốn phải giãn tiến độ triển khai sự án,...
"Do đó, Tập đoàn đề xuất với các đồng chí lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo địa phương cùng Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội - HBA kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan sớm hoàn thiện và ban hành Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, cũng như các thông tư, nghị định hướng dẫn để sớm triển khai thực hiện", ông Giáp chia sẻ.
Với vai trò chủ trì buổi khảo sát, TS Nguyễn Hồng Sơn - Nguyên Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VACOD và HBA khẳng định sau cuộc khảo sát sẽ có những kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để trên cơ sở đó cùng với các cơ quan của Chính phủ, Thủ tướng sẽ có những bước rà soát, bãi bỏ những quy định không phù hợp gây cản trở, khó khăn với các doanh nghiệp.
"Bên cạnh khảo sát bằng văn bản, chúng tôi cũng mong muốn khảo sát thực tế, vừa để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, nhưng cũng muốn nghe tiếng nói từ chính quyền địa phương về tình hình môi trường, sản xuất kinh doanh và đầu tư của tỉnh", ông Sơn chia sẻ.
Trên cơ sở đó, đoàn dành thời gian làm việc và đã thực hiện khảo sát tại hai cơ sở doanh nghiệp của của tỉnh, một doanh nghiệp về sản xuất gốm sứ - Công ty Gốm Chu Đậu và một doanh nghiệp đa ngành nghề - Tập đoàn Quang Giáp (trong đó lĩnh vực cốt lõi là bất động sản).
Qua khảo sát, Chủ tịch VACOD và HBA cho biết đã ghi nhận những khó khăn, tồn tại của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và đầu tư của tỉnh. Đồng thời cũng tiếp nhận được nhiều ý kiến từ đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương về những khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp.
Hai Hiệp hội cũng mong muốn buổi làm việc này sẽ giúp ích cho Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là những cơ quan tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách, đặc biệt Ủy Ban Kinh tế của Quốc Hội là cơ quan nghiên cứu về những vấn đề xung đột của luật. Đây cũng là chính là điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư cũng như kinh doanh về nhà ở, bao gồm các Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản.
"Ba bộ luật này là ba bộ luật khác nhau nhưng có xung đột và xung đột này không tháo gỡ được. Chúng tôi cũng kiến nghị luôn là sử dụng một luật để sửa đổi ba luật. Vấn đề này, Quốc hội đã có nguyên tắc, chứ không phải sử dụng một luật sửa một luật, mà dùng một luật để sửa ba luật. Như vậy mới tháo gỡ được khó khăn về lĩnh vực kinh doanh nhà ở và bất động sản", Chủ tịch VACOD và HBA nêu rõ.
Về môi trường kinh doanh, TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, vào ngày 24/4 vừa qua, hai Hiệp hội đã cùng với UBND tỉnh Lạng Sơn đồng chủ trì tổ chức thành công "Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch VACOD - HBA – Lạng Sơn 2023".
Tại Hội nghị này, đoàn doanh nghiệp Hải Dương đã tham gia và đem rất nhiều sản phẩm của quê hương lên giới thiệu sản phẩm và được chào đón rất nhiệt liệt. Với vai trò chủ trì, Hiệp hội VACOD và Hiệp hội HBA đã phối hợp tổ chức cùng 12 Hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh trên toàn quốc, từ các tỉnh phía Nam, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung, phía Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trong đó có Hải Dương.
"Chúng tôi đã ký một thoả thuận hợp tác chung để nhằm mục tiêu hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch của các tỉnh, hỗ trợ cho doanh nghiệp các tỉnh trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của các địa phương. Đây là thoả thuận hợp tác chung của VACOD và HBA với từng tỉnh. Chúng tôi mong muốn trong tương lai, thoả thuận này sẽ được phát triển trên khắp 63 tỉnh, thành phố", TS Nguyễn Hồng Sơn lưu ý.
TS Nguyễn Hồng Sơn cũng nhấn mạnh: “Tất cả những vấn đề, nội dung về những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp mà đoàn khảo sát lắng nghe trực tiếp từ các doanh nghiệp được khảo sát, cùng những ý kiến của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh vừa nêu trên sẽ được đoàn khảo sát tiếp thu, tổng hợp cùng các ý kiến phản ánh bằng văn bản của doanh nghiệp để tổng hợp báo cáo Chính phủ”.