Vẫn chưa hết lo với rủi ro thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng

Vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các tổ chức tín dụng đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn.

Với vai trò "huyết mạch" của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, cho tổ chức tín dụng, cho các doanh nghiệp. Thực tế trong 2 năm qua, hoạt động cung tiền của Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện sự hỗ trợ rất lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều yếu tố sẽ còn gây bất lợi cho thị trường vốn. 

Phát triển thị trường vốn an toàn, bền vững

Chia sẻ với báo chí tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam mới đây về vấn đề điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, bối cảnh kinh tế toàn cầu trong thời gian tới tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát.

Cụ thể, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù lạm phát trong nước hiện vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023, đặc biệt là lạm phát cơ bản có thể tạo nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát trong năm 2023, đến từ cả yếu tố bên cung (chi phí đẩy) và bên cầu (cầu kéo).

Phó Thống đốc nêu rõ, về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong các năm 2020 - 2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất (lạm phát nhập khẩu) và từ đó tác động vào chi phí tiêu dùng các mặt hàng trong nước. Về phía cầu, dự kiến kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả. Do đó, Phó Thống đốc nhấn mạnh không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà

"Để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ; sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng", ông Hà phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam mới đây.

Về vấn đề nguồn vốn, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện nay, vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các tổ chức tín dụng đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn.

“Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế thì cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, theo đó cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này”, Phó Thống đốc nêu rõ.

Kỳ vọng thanh khoản hệ thống tiếp tục cải thiện

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 1 năm 2023, trong đó các tổ chức tín dụng kỳ vọng thanh khoản hệ thống trong năm 2023 tiếp tục được cải thiện.

Kết quả khảo sát cho biết, nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong quý 4 năm 2022 và năm 2022 tiếp tục cải thiện nhưng chưa đạt được mức kỳ vọng, trong đó nhu cầu vay vốn được nhận định cải thiện rõ nét nhất, đặc biệt là nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp.

Tại thời điểm cuối quý 4 năm 2022, 42,5%  tổ chức tín dụng nhận định tổng nhu cầu ở mức “cao” (chủ yếu tập trung ở nhu cầu vay vốn), 2,8% tổ chức tín dụng nhận định ở mức “thấp”, 54,7% tổ chức tín dụng nhận định ở mức “bình thường”.

Các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý 1 năm 2023 nhưng “tăng” với tốc độ chậm lại trong năm 2023 so với năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Về thanh khoản, các tổ chức tín dụng nhận định thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý 4 năm 2022 tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt, mặc dù có thu hẹp so với quý trước. Đánh giá cả năm 2022, các tổ chức tín dụng nhận định tình hình thanh khoản “cải thiện” so với năm 2021 nhưng không được như kỳ vọng. Năm 2023, các tổ chức tín dụng kỳ vọng thanh khoản hệ thống tiếp tục được cải thiện so với năm 2022.

Về huy động vốn, kết quả khảo sát cho biết, huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 2,9% trong quý 1 năm 2023 và tăng 10% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 1,8 điểm % so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 4% trong quý 1 năm 2023 và tăng 13,7% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 1,9 điểm phần trăm so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Các tổ chức tín dụng tỏ ra thận trọng hơn khi dự báo cho thời gian tới với 56,4-75,4% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý 1 năm 2023 và cả năm 2023 nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022. Có 95,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022.

Trong năm 2023, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tất cả các nhân tố khách quan sẽ có tác động tích cực hơn so với năm 2022, trong đó “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được dự kiến là nhân tố tác động tích cực quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Có thể bạn quan tâm