Sau năm 2022, Ngân hàng Nhà nước rút ra 3 bài học trong điều hành chính sách tiền tệ

Năm 2022, biến động tài chính, tiền tệ quốc tế và trong nước là vấn đề nóng, nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, của doanh nghiệp và người dân cả nước. Nó cũng đã đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước nhiều khó khăn, thách thức và cả bài học kinh nghiệm trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2022.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ một số quan điểm về điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua.

Bối cảnh khó khăn cho chính sách tiền tệ

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, năm 2022 là một năm vô cùng thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ khi cùng một lúc chịu áp lực bởi xu hướng tăng lạm phát, lãi suất, đồng đô la Mỹ trên phạm vi toàn cầu và những khó khăn của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp ở trong nước.

Vì vậy, một loạt bài toán khó đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước như làm thế nào để điều hành tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống trong khi một số chỉ tiêu tiền tệ như tỷ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ phải làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi nền kinh tế của ta có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đồng Đô la tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của phía Hoa kỳ...

Hơn thế, làm thế nào ổn định được an toàn hệ thống khi thanh khoản hệ thống và niềm tin của thị trường chịu tác động mạnh bởi sự cố SCB chưa từng có tiền lệ cung là một bài toán khó.

Thống đốc NHNN
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với sự bình tĩnh, chủ động trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách của Ngân hàng Nhà nước, kết thúc năm 2022, chính sách tiền tệ đã có những đóng góp quan trọng, góp phần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

Đó là góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (bình quân 3,15%), tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (8,02%); tín dụng ước tăng khoảng 14,5%; Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định (VND mất giá 3,5%, mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, là mức biến động thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực), thanh khoản hệ thống cơ bản được đảm bảo...

Đặc biệt, tháng 11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3 bài học kinh nghiệm

Với những biến động tài chính, tiền tệ quốc tế và trong nước năm 2022, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đã rút ra được 3 bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất, trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta có độ mở cửa lớn, những biến động kinh tế thế giới tác động tới kinh tế, tiền tệ trong nước là không tránh khỏi. Điều quan trọng là phải chuẩn bị tâm thế cho sự ứng phó linh hoạt với những biến động, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ nhằm “góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, nhưng tùy theo diễn biến tình hình để xác định trọng tâm, trọng điểm ưu tiên trong từng thời điểm.

Thực tế, từ tháng 10 khi sự cố ngân hàng SCB xảy ra tác động mạnh tới thanh khoản hệ thống và thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã ưu tiên cao nhất và tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường ngoại hối.

Thứ ba, mỗi một chính sách đều có tác động khác nhau đối với các khu vực của nền kinh tế, điều quan trọng là cần bản lĩnh, ứng phó linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến tình hình, cân nhắc thời điểm, liều lượng phù hợp của từng công cụ, giải pháp để hóa giải khó khăn nhằm đạt được mục tiêu.

Những bài học trên đã được minh hoạ bằng thực tiễn điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá và tín dụng trong năm 2022. Cụ thể, việc điều hành tỷ giá năm 2022 chịu sự giám sát nâng cao của phía Hoa Kỳ, trước sức ép đồng Đô la Mỹ tăng cao, nếu thực hiện theo cam kết, NHNN sẽ khó ổn định được thị trường.

Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động đàm phán với phía Mỹ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều hành tỷ giá linh hoạt hơn. Từ tháng 10/2022, xu hướng lãi suất, USD tăng cao cùng sự cố ngân hàng SCB đã tác động tiêu cực đến tâm lý, kỳ vọng và thanh khoản thị trường, tỷ giá tăng kịch trần, giao dịch thị trường gần như đóng băng, tâm lý găm giữ ngoại tệ dâng cao.

Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã cấp bách triển khai nhiều giải pháp để tập trung ưu tiên cải thiện thanh khoản. Theo đó, chưa điều chỉnh tăng trưởng tín dụng trong tháng 10. Khi thanh khoản hệ thống được cải thiện, tác đông từ bên ngoài dịu bớt, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng trưởng tín dụng thêm 1,5-2%.

Để ổn định thị trường ngoại hối, Ngân hàng nhà nước đã thực hiện đồng thời các giải pháp như: tăng biên độ giao dịch của tỷ giá từ +/-3% lên +/-5% để linh hoạt cho phép VND mất giá đến 9%, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp, điều chỉnh tăng 1% các mức lãi suất điều hành, nhờ vậy mà thị trường đã dần ổn định trở lại. Năm 2022, VND mất giá khoảng 3,5%. Đây là mức thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới và khu vực.

chính sách tiền tệ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Chính sách tiền tệ với bản chất là ngắn hạn nên cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung dài hạn

Năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá, năm 2023 tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Mới đây, người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế nhận định 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái, và cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với một năm 2023 khó khăn hơn.

Trong nước, lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng cao trong khi vẫn cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, những khó khăn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết căn bản. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị 4 chính sách.

Thứ nhất, tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Thứ ba, điều hành tín dụng phù hợp, góp phần duy trì đà phục hồi của nền kinh tế; hướng dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ tư, phối hợp các Bộ, ngành để tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường.

Theo bà Hồng, chính sách tiền tệ với bản chất là ngắn hạn nên cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung dài hạn. Chính sách tiền tệ ngoài việc góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo an toàn hệ thống, bởi vậy xét từ góc độ tổng thể nền kinh tế, các chính sách kinh tế cần có sự cân đối và phối hợp đồng bộ hơn giữa.

Chẳng hạn, chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, ách tắc thanh khoản trong nền kinh tế, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện giảm, giãn thuế, điều chỉnh giá bất động sản... để khơi thông dòng tiền giữa các khu vực trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo.

Tiếp đó, chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ngành ngân hàng tập trung thực hiện các giải pháp cải cách, đơn giản thủ tục cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng lưu ý, đối với nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, cần các giải pháp chính sách hỗ trợ khác từ phía nhà nước như bảo lãnh tín dụng, các các chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được thực thi hiệu quả...

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...