Th.S Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) trò chuyện cùng hội viên
Ông Hoàng Minh Châu - Cố vấn cao cấp về văn hóa của FPT cũng đã từng đưa ra ví dụ: “Hãy cùng quan sát hai nhà máy sản xuất ôtô. Họ cùng sử dụng một loại thép, một quy trình sản xuất, một dây chuyền công nghệ… Ngay cả mẫu mã họ cũng dễ dàng bắt chước nhau. Thị trường là toàn cầu và chung cho tất cả.
Và hãy cùng quan sát hai ngân hàng. Họ cũng đang nỗ lực chuyển đổi từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng điện tử dựa vào Internet. Để có thể giao dịch với nhau và với các định chế tài chính trên phạm vi toàn cầu, các ngân hàng ngày nay gần như giống hệt nhau về tổ chức và quy trình nghiệp vụ”.
Rồi ông khẳng định: “Và sự khác nhau duy nhất đáng kể giữa hai nhà sản xuất ôtô hay giữa hai ngân hàng hoặc giữa hai doanh nghiệp cùng ngành nghề, chỉ còn là văn hóa doanh nghiệp”.
Bàn về vấn đề này tại chương trình “Bữa sáng Doanh nhân" do Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hà Nội và Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam phối hợp tổ chức sáng nay (10/11) tại Hà Nội, bà Hồ Thị Phúc - Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Cảnh Thịnh cho biết, công ty Cảnh Thịnh luôn coi trọng việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp để cán bộ công nhân viên cảm thấy đỡ áp lực vì công việc và luôn coi công ty là ngôi nhà thứ hai của họ.
Bà Hồ Thị Phúc - Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Cảnh Thịnh
Theo bà Phúc, hằng năm, công ty thường có những hoạt động gắn kết như du lịch, nghỉ mát, gala dinner. Thông qua các hoạt động này, các thành viên trong công ty có cơ hội hiểu nhau hơn cũng như ban lãnh đạo tìm hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn đến đời sống của cán bộ, công nhân.
Bà Phúc cũng cho biết thêm, ngoài những hoạt động chung hàng năm như đã nói ở trên, công ty còn tạo điều kiện hết sức cho cán bộ công nhân viên trong công việc cũng như có các hoạt động thăm hỏi trong lúc ốm đau, ma chay, thai sản…
Cũng theo bà Phúc, bản thân là một người phụ nữ, đặc biệt là một nữ doanh nhân nên bà rất thấu hiểu các nữ nhân viên, ngoài công việc đều có những thiên chức riêng như làm mẹ, làm vợ. Chính vì thế, đối với nhân viên nữ, doanh nghiệp của bà luôn tạo điều kiện hết sức về thời gian cũng như công việc.
“Phần đa các nữ nhân viên của tôi đang có con nhỏ nên chúng tôi luôn tạo điều kiện cho họ như về sớm hơn 30 phút, hay như buổi trưa về chăm sóc con…” – Bà Phúc nói.
Bàn về ý nghĩa của văn hoá doanh nghiệp, ông Nguyễn Hải Anh - Giám đốc kinh doanh Công ty VietBarter cho rằng, văn hoá doanh nghiệp cũng như nét đẹp hay tính cách của con người, nó sẽ trường tồn mãi. Văn hoá doanh nghiệp là đời sống tinh thần của doanh nghiệp.
Ông Hải Anh cũng khẳng định: “Mỗi một doanh nghiệp sẽ có một đặc thù riêng thế nên ở mỗi doanh nghiệp sẽ có những nét văn hoá riêng và nét đẹp riêng. Nếu văn hoá doanh nghiệp tốt sẽ tạo ra môi trường hoạt động tốt hơn, lan toả đến mọi người tốt hơn, theo tôi điều đấy sẽ dẫn đến việc kinh doanh hiệu quả hơn”.
Ông Nguyễn Hải Anh - Giám đốc kinh doanh Công ty VietBarter
Là một doanh nghiệp còn khá non trẻ, nhưng ngay từ buổi đầu, công ty VietBarter đã đặt việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu bởi đội ngũ lãnh đạo VietBarter hiểu được rằng, xây dựng văn hoá doanh nghiệp tốt sẽ quy tụ được sức sáng tạo của công nhân viên chức, khích lệ họ sáng tạo ra nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp…
“Doanh nhiệp của chúng tôi khá non trẻ, tuy nhiên yếu tố gắn kết mọi người luôn được chú trọng. Cụ thể như một năm công ty chúng tôi có những điểm gắn kết thông qua hoạt động nghỉ mát, team building. Những hoạt động này sẽ giúp các thành viên trong công ty gần gũi nhau hơn, chia sẻ với nhau hơn trong công việc, giúp cho việc phối hợp công việc giữa các nhân viên tốt hơn” – ông Hải Anh nói.