Văn hóa doanh nhân: Góc nhìn của một nhà văn - doanh nhân

Trước khi thành nhà văn thì tôi đã là doanh nhân...
Văn hóa doanh nhân: Góc nhìn của một nhà văn - doanh nhân

Tôi làm sản xuất kinh doanh dược phẩm đến hơn ba mươi năm ròng. Hồi ấy thỉnh thoảng ở những cuộc hội nghị, trà dư tửu hậu, hay thỉnh thoảng đọc báo chí thấy nói về văn hóa doanh nhân, tôi chỉ cười. Thậm chí sau này tôi còn nghe loáng thoáng có cả một cái “Trung tâm văn hóa doanh nhân”, do một ông nhà văn lừng lẫy làm giám đốc, với mục tiêu đào tạo và nâng cao văn hóa cho doanh nhân thì tôi lại càng thấy nó buồn cười sao đó.

Bởi tôi vẫn cho là, phàm người làm sản xuất kinh doanh, tức là doanh nhân ấy, là toàn những người trưởng thành, hoặc được học hành đầy đủ, hoặc được cuộc đời dạy dỗ đến nơi đến chốn. Họ đã “lấy” được tiền thiên hạ đem về nhà mình thì đều là người “khôn” lắm rồi. Ai mà dạy dỗ họ được nữa. Kể cả về văn hóa nọ kia...

Có một nghiên cứu khoa học đưa ra kết luận cho biết, tính cách, trí tuệ của một con người về cơ bản được hình thành từ lúc trong bụng mẹ đến năm lên sáu tuổi là xong. Mọi sự dạy dỗ, giáo dục, trường lớp... đều phải dựa trên cái nền tảng của đứa trẻ sáu tuổi đó mà bồi đắp thêm vào. Thế cho nên các nền giáo dục tiên tiến nhất hiện nay là họ quan niệm, giáo dục có nghĩa là tạo điều kiện cho trẻ phát huy hết tiềm năng cá tính riêng biệt của từng đứa. Có vẻ như họ đi đúng. Bằng chứng sờ sờ là mọi mặt xã hội ở các nước ấy đã vượt các nước còn nặng nề nền giáo dục cũ, đặc biệt là còn bị cái di chứng của Khổng giáo hành hạ rất xa. Bạn không tin, hãy nhìn vào nền giáo dục nước nhà, biết ngay.

Khi số phận đặt lên vai nghiệp doanh nhân, họ phải tự ý thức được vai trò khả năng của mình. Trách nhiệm xã hội của tầng lớp doanh nhân là cực lớn. Bởi thế quan điểm Win- Win, cùng thắng trong kinh doanh đã được thế giới văn minh thừa nhận đó là nền tảng đạo đức kinh doanh. 

Trở lại câu chuyện văn hóa.

Ngay từ khi vẫn còn đang đắm chìm với công việc của doanh nhân, với tiền hàng, cân đối tài chính nợ có, lỗ lãi... tôi vẫn nghĩ, văn hóa là cái phông nền chung của tất cả mọi thành viên trong xã hội chứ chẳng có đặc thù văn hóa nghề nghiệp hay tầng lớp nào cả nào cả. Nó có văn hóa ứng xử, văn hóa đọc, văn hóa ẩm thực, văn hóa giao tiếp, thậm chí là văn hóa tình dục...

Nhưng chắc khó mà định ra được đâu là đặc trưng của văn hóa quân nhân hay văn hóa thanh niên. Mà văn hóa doanh nhân thì càng là một khái niệm mù mờ! Tôi nghĩ chỉ có một cái đó là văn hóa nền, hay như nhiều người gọi đó là cái “phông văn hóa” của từng người. Mà cái nền này như đã nói ở trên, do thiên bẩm là phần nhiều. Các cụ ta xưa chả đã đúc kết, “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” đó sao.

Thực tế cuộc đời có muôn vàn ví dụ để cho mọi người kiểm chứng. Có vô khối người được học hành đầy đủ, bằng cấp đầy mình, nói giảng đạo nghĩa biển giời thông văn tự. Thế nhưng rồi ta phải chứng kiến họ cư xử, hành động trong một hoàn cảnh bột phát nào đó, thật kinh hoàng. Không tưởng tượng nổi. Ở chiều ngược lại, rất nhiều người chỉ là dân thường, nhưng trong những thời khắc và hoàn cảnh nào đó của cuộc đời đưa đẩy, họ lại thể hiện những hành động cao đẹp đầy tính nhân văn, tràn trề tình người. Rõ ràng ở đây, cái tính chất thiên bẩm quyết định cho cái phông nền văn hóa của một con người là quan trọng nhất.

Văn hóa doanh nhân: Góc nhìn của một nhà văn - doanh nhân ảnh 1

"Chả lẽ hôm trước tôi là doanh nhân thì tôi có văn hóa doanh nhân. Hôm nay tôi không đi làm doanh nhân nữa thì cái văn hóa đó không còn sao? Không. Nó vẫn còn nguyên. Nó chính là những cái gì mà tôi đã tiếp thụ được trong cuộc đời mình. Khi là doanh nhân tôi dùng để ứng xử với khách hàng, nhân viên, xã hội. Đó là mình vậy.

 Nhà văn - Doanh nhân Trần Thanh Cảnh

Hồi làm kinh doanh, tôi phải đứng trước một trường hợp phải quyết định. Khá căng. Liên quan đến việc có đưa vào sản xuất hàng loạt một sản phẩm thị trường đang “hot” hay không. Tôi biết nếu thành công với sản phẩm này thì doanh nghiệp của tôi sẽ vượt lên cao ngay. Tôi suy nghĩ vật vã. Nghiên cứu. Sản xuất thử... Thế rồi khi tôi chưa kịp quyết định đưa vào sản xuất hàng loạt, thì một công ty khác họ đã tung sản phẩm ra thị trường rầm rộ. Tôi đi mua ngay sản phẩm đó về xem. Và tôi nhận ra ngay thủ thuật của họ. Và tôi cũng nhận ra ngay tại sao tôi không vượt qua được ranh giới để tung sản phẩm ra: Tôi không có đủ độ “nhẫn tâm” lắm lúc cần phải có để một người chủ doanh nghiệp vượt lên một “tầm cao mới”!

Và thế là tôi đi viết văn.

Dù ngoài năm mươi tuổi mới đi viết văn, nhưng tôi tự cho là mình cũng có thành công ít nhiều trong công việc mới. Viết văn thì hiển nhiên là một công việc về văn hóa. Nhiều nhà phê bình nói, các truyện ngắn, tiểu thuyết của tôi viết nhiều về văn hóa làng xã Bắc Ninh- Kinh Bắc, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Thậm chí một đài truyền hình đã làm hẳn một bộ phim tài liệu lấy tên là, “Người Kể Chuyện Đất Kinh Bắc” kia.

Tôi thấy hình như có vẻ là cũng đúng. Bởi tôi luôn nghĩ văn hóa làng xã là cái tiêu biểu và đậm đà nhất của văn hóa Việt. Mà dân tộc Việt sau hàng ngàn năm bắc thuộc không bị đồng hóa, đất nước không bị xóa tên là chắc do cái nền văn hóa làng xã của chúng ta nó kiên cường và đậm đà đến mức mọi thứ ngoại lai mon men đến chân tre là bị đánh bật ra hết! Hình như cái câu, “Phép vua thua lệ làng” nói nên một phần điều này.

Những tác phẩm của nhà văn Trần Thanh Cảnh

Thế nhưng văn hóa làng xã Việt Nam sẽ ra sao trong thời đại mới này?

Ngày xưa với cuộc sống chủ yếu là nền văn minh nông nghiệp lúa nước thì người nông dân là tuyệt đại đa số của xã hội. Nền văn hóa làng xã là căn bản tinh thần cho quốc gia. Còn ngày nay, sự phát triển như vũ bão của khoa học đã kéo theo sự biến đổi dữ dội mọi mặt đời sống.

Chỉ vài chục năm đã có thể biến đổi bằng hàng ngàn năm cộng lại. Người nông dân trở nên yếu thế, không còn là tầng lớp làm nên của cải căn bản cho xã hội nữa. Mà bây giờ người làm nên gương mặt của xã hội Việt Nam hiện đại chính là doanh nhân. Một đất nước hiện đại phát triển phải có một tầng lớp doanh nhân đông đảo và mạnh mẽ, có những đại gia đúng nghĩa làm cánh chim đầu đàn. Dứt khoát là vậy.

Đến đây thì có nhiều người lại đặt vấn đề, tầng lớp doanh nhân đông đảo kia làm nên bộ mặt của đất nước thì họ đương nhiên có văn hóa riêng của mình chứ? Doanh nhân Việt cũng như doanh nhân toàn thế giới, họ kinh doanh sản xuất đủ mọi lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Và xuất thân họ cũng khác nhau. Có thể là miền núi xa xăm, nông thôn hẻo lánh hay đô thị phồn hoa.

Họ cũng được đào tạo khác nhau. Họ có thể là kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ... Hay chẳng cần phải học qua một trường đại học nào. Họ học ở trường lớn nhất là trường đời. Thế nhưng để thành công thật sự với tư cách của doanh nhân đúng nghĩa đều phải có một nền tảng văn hóa nhất định.

Nó là tích hợp, là kết tinh của thiên bẩm, của giáo dục và tự giáo dục. Nó là cái phông nền văn hóa của từng con người mà thôi. Cho nên câu chuyện văn hóa doanh nhân, nó chỉ như câu nói đầu lưỡi. Hoặc như là một cái khẩu hiệu mà một thời chúng ta hô hào ầm ĩ suốt ngày. Chả lẽ hôm trước tôi là doanh nhân thì tôi có văn hóa doanh nhân.

Hôm nay tôi không đi làm doanh nhân nữa thì cái văn hóa đó không còn sao? Không. Nó vẫn còn nguyên. Nó chính là những cái gì mà tôi đã tiếp thụ được trong cuộc đời mình. Khi là doanh nhân tôi dùng để ứng xử với khách hàng, nhân viên, xã hội. Đó là mình vậy. Khi không còn là doanh nhân, tôi vẫn cư xử với mọi người vậy, có khác gì đâu? Mà tôi thì bây giờ người ta gọi là văn nhân...

Cho nên có thể nói thế này, doanh nhân có văn hóa chính là con người có văn hóa. Vậy thôi. Cũng như mọi người có văn hóa khác trong xã hội ta. Còn muốn nói gì thì nói, chúng ta phải thừa nhận tầng lớp doanh nhân hiện nay là gương mặt đại diện của thời đại.

Dù không hẳn có một “nền” văn hóa riêng biệt đứng tách ra khỏi các tầng lớp khác trong xã hội nhưng dù sao vẫn có những phẩm chất riêng nào đó. Khi số phận đặt lên vai nghiệp doanh nhân, họ phải tự ý thức được vai trò khả năng của mình. Trách nhiệm xã hội của tầng lớp doanh nhân là cực lớn. Bởi thế quan điểm Win- Win, cùng thắng trong kinh doanh đã được thế giới văn minh thừa nhận đó là nền tảng đạo đức kinh doanh.

Doanh nhân đề ra những sản phẩm mới, dịch vụ tiện ích mới được cuộc sống chấp nhận, thu được lợi nhuận. Cộng đồng xã hội được hưởng những tiến bộ văn minh mới trong đời sống. Tất cả cùng thúc đẩy nhau tiến lên. Cùng thắng. Đó cũng là nét văn hóa cần thiết phải có nhất của các doanh nhân Việt hiện nay.

Nhà văn – doanh nhân Trần Thanh Cảnh

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...