Vẫn quyết thu phí ô tô vào sân bay: Do lợi ích nhóm quá lớn?

Đã quá thời hạn 30/3, Bộ GTVT phải báo cáo Chính phủ về việc thu phí xe ô tô vào đón, trả khách tại các sân bay nhưng vẫn chưa thấy báo cáo về kết quả.
Vẫn quyết thu phí ô tô vào sân bay: Do lợi ích nhóm quá lớn?

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) kiến nghị Bộ GTVT hợp pháp hóa việc thu phí phương tiện ra vào các Cảng hàng không, sân bay bằng cách bổ sung dịch vụ đường dẫn vào nhà ga thành dịch vụ phi hàng không thiết yếu tại Cảng hàng không, sân bay; bổ sung khung giá đường dẫn vào nhà ga.

Theo ACV, hiện nay, đối với xe ô tô ra, vào tất cả các cảng hàng không do đơn vị quản lý, khai thác đều thực hiện thu tiền sử dụng đường và sân đỗ ô tô. Đặc biệt, việc tổ chức thu giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga bao gồm 2 nhóm.

Cụ thể, nhóm các cảng thu riêng dịch vụ đường dẫn và dịch vụ sân đỗ ô tô (gồm Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh). Đây là các Cảng hàng không có tần suất hoạt động bay cao nên lưu lượng xe ô tô ra, vào đón, trả khách rất lớn.

Trong đó, không ít xe có nhu cầu đỗ trong khoảng thời gian nhất định để chờ đón khách nhưng quy mô kết cấu hạ tầng giao thông nội cảng có giới hạn, nên các vị trí dừng, đỗ để đón, trả khách không thể đáp ứng được nhu cầu đỗ chờ khách, dễ gây hiện tượng ùn tắc giao thông cục bộ trong khu vực nội cảng.

Trạm thu phí ra vào sân bay Đà Nẵng . Ảnh: V.H.

Còn nhóm 17 Cảng hàng không còn lại do tần suất hoạt động của chưa cao, các cảng chỉ thực hiện thu một lần giá theo lượt cho cả dịch vụ sử dụng sân đường và sân đỗ ô tô, không giới hạn thời gian đỗ để chờ đón, trả khách tại nhà ga.

Hiện, ACV phân cấp ủy quyền cho các Cảng hàng không chủ động xây dựng phí dịch vụ sân đỗ ô tô trên cơ sở bù đắp một phần chi phí đầu tư, chi phí duy trì hoạt động nhưng phải đảm bảo hài hòa với mức giá dịch vụ tương đồng tại khu vực và thực hiện niêm yết giá tại các cảng hàng không theo quy định.

Đối với toàn bộ số tiền thu được từ việc thu giá dịch vụ sân đường dẫn vào nhà ga, ACV thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách theo quy định và hạch toán vào kết quả kinh doanh của Tổng công ty và chi đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống kế cấu hạ tầng tại các cảng hàng không nói chung và hệ thống đường dẫn vào nhà ga hành khách nói riêng từ từ quỹ đầu tư phát triển của đơn vị mà không sử dụng ngân sách Nhà nước

Hơn nữa, trong phương án cổ phần hóa, ACV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã được triển khai thực hiện, toàn bộ giá trị tài sản nhà ga và đường dẫn vào nhà ga đã được xác định lại giá trị và tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Ngoài ra, ACV cũng đưa ra luận điểm, đường dẫn vào nhà ga sân bay là đường giao thông nội bộ, đã được quy định tại Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay và dịch vụ đường dẫn vào nhà ga là dịch vụ phi hàng không thiết yếu, bắt buộc sử dụng, không thuộc danh mục giá dịch vụ do Bộ GTVT quy định khung giá.

Mỗi ngày, hàng nghìn lượt xe ô tô ra vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: KT

Tuy nhiên, ACV cũng thừa nhận, dịch vụ đường dẫn vào nhà ga chưa nằm trong danh mục dịch vụ phi hàng không thiết yếu theo các quy định hiện hành.

Để việc thu phí phương tiện ra vào sân bay được thuận lợi, ACV đã kiến nghị Bộ GTVT hợp pháp hóa quy định này bằng cách bổ sung dịch vụ đường dẫn vào nhà ga thành dịch vụ phi hàng không thiết yếu tại Cảng hàng không, sân bay; bổ sung khung giá đường dẫn vào nhà ga.

Được biết, sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận đối với việc các chi nhánh cảng hàng không thu tiền sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách là không đúng quy định của pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất, Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với ACV rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xác định mục đích sử dụng đối với từng loại đất (đất thương mại, đất công cộng) trong khu vực cảng hàng không, từ đó làm rõ nghĩa vụ của ACV đối với Nhà nước.

Trước đó, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo nghiên cứu đề xuất bổ sung dịch vụ này vào danh mục dịch vụ phi hàng không thiết yếu tại cảng hàng không.

Ông Phạm Văn Hảo - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết chưa có báo cáo về việc thu phí hiện nay.

Tại cuộc họp báo quý I/2018 của Bộ GTVT, khi phóng viên đề cập đến việc vì sao Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thu phí xe ô tô đưa khách đến sân bay, dừng đỗ trước sảnh nhà ga tại các sân nbay là sai, cần phải dừng, nhưng Bộ GTVT cũng như ACV đều không thực hiện? Ông Phạm Văn Hảo - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam không trả lời thẳng câu hỏi mà cho biết, đã mời Bộ Tài chính sang họp để thống nhất báo cáo Chính phủ...?!

Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng, việc thu phí sân đường ở các sân bay có quá trình lịch sử rất dài. Việc thu phí có từ khi chưa có ACV. Thu phí sân đường ở tất cả sân bay xuất phát từ việc Nhà nước đầu tư, quản lý, khai thác và thu phí nằm trong danh mục của luật phí.

“Phí phi hàng không cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, giao đất mà không thu tiền thì phần lớn hạ tầng không thu tiền đất. Tài sản này có chuyển dịch thời gian gần đây. Bộ GTVT đánh giá trong cổ phần hóa chuyển dịch sở hữu, chiếu vào hàng không đó là giá dịch vụ loại nào để mổ xẻ cho thấu đáo, Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất báo cáo Chính phủ”, ông Đông cho hay.

Thứ trưởng Đông cũng cho biết, Bộ GTVT đã có báo cáo lên Chính phủ về vấn đề này. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo rà soát lại và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/3 đồng thời giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để có giải pháp.

Đến nay, đã quá thời hạn 30/3 đúng 10 ngày nhưng vẫn chưa thấy báo cáo về kết quả. Dừng hay thu tiếp? Kết luận thu sai sao vẫn làm?..../.

Theo Phi Long/VOV

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...