Vay mua điện thoại, laptop bị “cắt cổ” lãi suất 80%/năm

Vay không thế chấp, chỉ cần chứng minh thư là được duyệt vay nhanh chóng ngay tại các cửa hàng điện thoại, siêu thị điện máy, song lãi suất vay có thể lên tới 80%/năm.
Vay mua điện thoại, laptop bị “cắt cổ” lãi suất 80%/năm

Người vay mua tiêu dùng phải chịu rất nhiều rủi ro, lãi suất cắt cổ lên, mà nếu không có khả năng trả nợ, bản thân và người trong gia đình bị “truy sát” ngày đêm.

Người tiêu dùng nắm "đằng lưỡi"

Tại hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng” do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức ngày 13/7, ông  Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho hay tại Việt Nam hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty tín dụng tiêu dùng.

Năm 2014 -2015, lợi nhuận của nhiều tổ chức tín dụng tăng gần 40%. Tuy nhiên, thời gian qua liên tục xuất hiện nhiều hành vi vi phạm người đi vay: Các phản ánh khiếu nại liên quan đến tín dụng tiêu dùng chiếm hơn 80% trong tổng số các vụ việc bị khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh thông qua tổng đài 18006838, email, điện thoại, Facebook và khiếu nại trực tiếp.

“Thực tế này đang ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiêu dùng. Vay không thế chấp, chỉ cần chứng minh thư được xét duyệt vốn nhanh nhưng tiềm ẩn đằng sau đó là sự rủi ro rất lớn cho người tiêu dùng”, ông Tuấn nói. Đề cập đến những mảng tối của lĩnh vực cho vay tín chấp, ông Hồ Tùng Bách, Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, cho hay hầu hết các phản ánh tới Cục này cho thấy các doanh nghiệp cho vay không hề cung cấp thông tin minh bạch, không cung cấp hợp đồng. Việc cho vay mua được thực hiện ngay tại các siêu thị điện máy, cửa hàng bán điện thoại với quầy giao dịch và nhân viên tư vấn, để trống lãi suất, phí phạt.

“Nhiều doanh nghiệp, tổ chức thiếu uy tín đã cố tình cung cấp không đầy đủ thông tin, không rõ ràng, có dấu hiệu cố tình gây nhầm lẫn, lừa dối người vay. Những nội dung đó gồm lãi suất, điều kiện thanh lý sớm hợp đồng, phí phạt vi phạm. Ngoài ra, các tổ chức cũng không cảnh báo người tiêu dùng về thời hạn trả nợ, phí phạt.

Cảnh báo của ông Hồ Tùng Bách cũng nêu rõ cách thức cung cấp hợp đồng của bên cho vay không tạo điều kiện để người tiêu dùng nghiên cứu các điều khoản, ép họ ký hợp đồng khống; không cung cấp hợp đồng (chỉ gửi qua đường bưu điện sau khi ký kết). Và đến khi nhận được hợp đồng nhiều người mới ngã ngửa khi thực tế lãi suất họ phải chịu lên tới 80%/năm (tương đương gần 7%/tháng), thay vì chỉ 25-30%/năm như cam kết miệng ban đầu.

Chung quan điểm, bà Đinh Thị Thanh Nhàn, Khoa Kinh tế và Luật, Đại học Thương mại nhận định mức lãi suất cho vay hiện đang rất tùy tiện. Ngoài ra, nhiều tổ chức, doanh nghiệp còn tăng các khoản phí đi kèm để người vay mua tiêu dùng phải gánh chịu, khiến cho trong thực tế giá sản phẩm đã bị tăng lên đáng kể.

Bị “cho vào tròng”, nhiều người tiêu dùng không có khả năng trả nợ hoặc trả chậm đã bị công ty cho vay sử dụng vũ lực, đe dọa, nhắn tin gọi điện “khủng bố” bất kể ngày đêm. Khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng, thậm chí là người thân, đồng nghiệp của người tiêu dùng liên tục bị các số máy lạ gọi điện, nhắn tin từ 6h sáng tới 9-10h tối để giục đóng tiền nợ. Nhiều cuộc gọi điện bao gồm cả việc đe dọa, sử dụng từ ngữ "chợ búa", giang hồ để thách thức người tiêu dùng.

Cần siết chặt cho vay tiêu dùng

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng các cơ quan Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động cho vay tiêu dùng. Ông Hồ Tùng Bách cho rằng, hoạt động cho vay tiêu dùng phải được minh bạch hóa. Tổ chức cho vay phải công khai quy trình ký kết và thực hiện hợp đồng để khách hàng biết; có hình thức cung cấp và thống nhất rõ ràng với khách hàng về các nội dung, điều khoản quan trọng liên quan đến lãi suất, cách thức trả nợ, điều kiện trả nợ sớm…

Cần công khai quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, khiếu nại của khách hàng; phải đa dạng hóa và đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả của các kênh liên hệ giữa khách hàng và công ty, thay vì người vay mua phải khổ sở, khó khăn tìm người có trách nhiệm của công ty cho vay để giải quyết khiếu nại như hiện nay.

Bà Đinh Thị Thanh Nhàn cho rằng, pháp luật hiện chưa có quy định riêng đối với cho vay tiêu dùng, đã lạc hậu so với thực tế đa dạng của hoạt động tín dụng. Đây là nguyên nhân khiến cho bên cho vay thường xuyên vi phạm các quy định về hình thức của hợp đồng, tồn tại nhiều thỏa thuận bất lợi cho người tiêu dùng trong các hợp đồng theo mẫu, điều khoản giao dịch chung.

Trong khi đó, bà Phạm Quế Anh, Chuyên gia Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cần có quyền thanh tra, kiểm tra tại chỗ và yêu cầu sửa chữa ngay các hành vi sai trái. Ví dụ, yêu cầu bên cho vay phải hoàn lại các khoản phí quá cao, vượt quy định; phạt, công bố vi phạm công khai; thu hồi giấy phép kinh doanh của các tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật…

Tuy nhiên trước hết, các chuyên gia cho rằng cần phải đẩy mạnh nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng bằng các biện như tuyên truyền thông tin, kiến thức, kinh nghiệm; xây dựng công cụ tư vấn, hỗ trợ cho người tiêu dùng… để không mắc bẫy vay mua với lãi suất “cắt cổ” để dẫn đến tình cảnh điêu đứng.

 Theo ICT News

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...