Đây là thông tin được đưa ra tại diễn đàn “Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung”.
Theo kết quả điều tra sự quan tâm của doanh nghiệp với CPTPP của VCCI đối với 8.600 doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng nêu một thực tế không mấy vui. Mặc dù các doanh nghiệp đã có mức độ quan tâm với CPTPP, với 26% doanh nghiệp có tìm hiểu, nhưng vẫn còn hơn 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTPP.
Cản trở lớn được các doanh nghiệp đưa ra là thiếu thông tin về cam kết và cách thực hiện; năng lực cạnh tranh thấp hay quy tắc xuất xứ quá khó; bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan nhà nước…
Tuy nhiên, không chỉ có doanh nghiệp chưa quan tâm, thiếu hiểu biết và chưa tận dụng tốt các cơ hội từ CPTPP mang lại mà ngay cả với các cơ quan quản lý nhà nước tính chủ động cũng chưa cao.
“Cho đến nay, các bộ, ngành địa phương hầu hết đã có kế hoạch hành động nhưng các kế hoạch hành động đều không có kế hoạch thực hiện chi tiết. Thậm chí, nhiều chương trình hành động chỉ làm theo kiểu đối phó, làm cho có”, ông Ngô Chung Khanh - Phó vụ trưởng Vụ Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) nói.
“Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã biết tận dụng CPTPP để tăng trưởng xuất khẩu nhưng thống kê cho thấy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi vẫn còn rất thấp. Đơn cử như hàng xuất theo mẫu CPTPP chỉ đạt 190 triệu USD trong tổng số 16,4 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu, tương ứng với việc chỉ tận dụng được 1,17%”.
Trong bối cảnh hiện nay, xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc đang diễn biến ngày càng phức tạp, từ chiến tranh thương mại đã chuyển sang chiến tranh công nghệ và tiền tệ, tạo ra những áp lực lớn đối với doanh nghiệp và chính phủ.
Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tận dụng lợi thế từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong việc đa dạng hóa bạn hàng thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường, và quan trọng nhất hiện nay là tăng cường tính chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, nắm rõ các thông tin, cam kết cụ thể trong các hiệp định này để có kế hoạch, chiến lược kinh doanh phù hợp.
Ở góc độ cơ quan quản lý, lãnh đạo Bộ Công Thương từng nói, hội nhập mà hiệu quả thấp hay không thấy hiệu quả là lỗi của bộ máy quản lý. Thay đổi tư duy quản lý, chính sách theo hướng mở. Lấy môi trường kinh doanh công bằng, lấy doanh nghiệp là nguyên khí của quốc gia. Bộ máy quản lý phải thay đổi cách làm trong chính sách, tương tác với người dân, doanh nghiệp. Các tiêu chuẩn cao về minh bạch, đúng quy định của Nhà nước.
Trong khi đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc không ngại ngần chỉ ra thực tế, các cơ quan Nhà nước đã nỗ lực nhưng chưa đủ, đâu đó còn tình trạng tự làm khó mình với hàng xuất khẩu, tồn tại những hiện tượng bất hợp lý, độc quyền, hay tiền kiểm hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa nhận được thông tin đầy đủ, nên vẫn loay hoay tự tìm hiểu.
>> Bộ Công Thương ra mắt địa chỉ tra cứu thông tin về Hiệp định CPTPP