Theo đó, cơ quan này đánh giá ưu điểm của việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường là có thể thực hiện được ngay trong tháng 7, do đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
"Nếu lựa chọn cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giá trị gia tăng thì phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay", VCCI đánh giá.
Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng về lâu dài, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
Đối với phương án cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, VCCI góp ý dự thảo tờ trình chưa nêu rõ lý do vì sao không lựa chọn phương án này. Bởi vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ hơn phương án cắt giảm thuế nhập khẩu hoặc thuyết minh chi tiết hơn lý do không lựa chọn phương án này.
Về mức giảm thuế bảo vệ môi trường, VCCI cho rằng mức giảm thuế của dự thảo hiện nay là hợp lý vì đây là mức giảm cao nhất thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội (mức sàn của Luật Thuế bảo vệ môi trường).
Cơ quan này đánh giá dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính đã thuyết minh tương đối chi tiết tác động ngân sách trong trường hợp thực hiện phương án giảm thuế bảo vệ môi trường như đề xuất.
Trước đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm 500-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu (tùy loại) trong nước từ 1/8.
Cụ thể, các mặt hàng xăng, dầu trong nước đều được đề xuất giảm kịch khung về mức sàn, bao gồm giảm 50% thuế bảo vệ môi trường hiện tại, tương đương 1.000 đồng/lít với các mặt hàng xăng, từ 2.000 đồng/lít hiện tại; giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít thuế với nhiên liệu bay; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít; mặt hàng dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống 300 đồng/kg.