Vị ngọt của ngành mía đường Việt Nam

Trong vài năm trở lại đây, thị trường mía đường Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng trở lại nhờ giá mua nâng lên. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại mặt tiêu cực liên quan đến vấn đề nhập lậu đường…

nen-211.jpg
Ngành mía đường Việt Nam thời gian tới dự báo thuận lợi

Mới đây, Kirin Capital đã đưa ra báo cáo phân tích ngành đường. Trong đó, ngành đường Việt Nam được dự báo sẽ có những mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, tình trạng nhập lậu đường vào Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp.

NIÊN VỤ 2023 – 2024 DỰ BÁO THUẬN LỢI

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), ngành mía đường Việt Nam đã kết thúc giai đoạn trồng mới cho vụ đông xuân và vào vụ ép mía 2023 – 2024. Theo báo cáo của các nhà máy đường còn hoạt động, dự kiến sản lượng niên vụ năm 2023 – 2024 sẽ gia tăng đáng kể so với niên vụ trước đó.

Cụ thể, diện tích mía thu hoạch sẽ lên mức 159.159 ha (tăng 12% so với cùng kỳ), sản lượng mía chế biến lên đến hơn 10,9 triệu tấn (tăng 13% so với cùng kỳ), sản lượng đường các loại sẽ tiến lên mốc trên 1 triệu tấn (tăng 10% so với cùng kỳ).

san-luong-duong-5767.jpg

Trong 2 vụ mía trước đó là 2021/22 và 2022/23, cả diện tích và sản lượng mía đều đã tăng trở lại. Nguyên nhân của sự tăng trưởng sản xuất trong hai vụ liên tiếp là do giá mua mía nguyên liệu đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng lên, hiện đã lên đến mức 1,1 – 1,3 triệu đồng/tấn.

Mức giá tăng giúp đảm bảo nguồn thu nhập tốt cho bà con nông dân. Từ đó, diện tích trồng mía không ngừng gia tăng trong hơn 2 năm qua, kể từ khi các biện pháp phòng vệ thương mại mà nhà nước Việt Nam áp dụng năm 2021 cho đến nay.

Bên cạnh đó,theo số liệu ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam rơi vào mức 2.389 triệu tấn đường.

Mặc dù nhu cầu nhiều nhưng sản lượng đường sản xuất trong nước cho đến nay chỉ đáp ứng được 43,03% so với thực tế. Chính vì vậy, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn nhằm đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng áp thuế chống bán phá giá với đường mía tới từ Thái Lan, nước xuất khẩu chính vào Việt Nam, lượng đường thô và đường tinh luyện nhập khẩu vào nước ta đã có sự sụt giảm rõ rệt so với 2 năm trước đó.

Theo số liệu của AgroMonitor cung cấp, tính đến hết tháng 3/2024, lượng đường thô và đường tinh luyện nhập khẩu trong nước đạt mức 137,57 nghìn tấn luỹ kế, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 43,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Giá đường nhập khẩu vào Việt Nam cũng biến động tương đồng với giá đường trên thế giới khi có sự sụt giảm trong 3 tháng đầu năm 2024.

gia-9147.jpg

Đánh giá về giá đường thế giới, Kirin Capital cho biết, giá đường thô và đường trắng trên thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể trong giai đoạn vừa qua kể từ khi tạo đỉnh vào tháng 11/2023.

Tính đến thời điểm hiện tại, hợp đồng tương lai giá đường tại Hoa Kỳ ghi nhận mức giá 19,19 Cent/Lbs, giảm 30,9% so với giai đoạn tạo đỉnh tại mức giá 27,77 Cent/Lbs.

Đồng thời, giá hợp đồng đường trắng kì hạn gần nhất trên sàn ZCE trong những tháng vừa qua cũng quay đầu giảm. Hiện tại, giá đường kỳ hạn gần nhất trên sàn ZCE được giao dịch ở mức 6.451 nhân dân tệ/tấn.

Thời gian tới, giá đường thế giới có khả năng tăng trở lại do một số nguyên nhân như giá đồng Real của Brazil tăng khiến xuất khẩu đường tại Brazil sụt giảm; các nhà sản xuất đường của Hoa Kỳ đang kêu gọi giảm nhập khẩu đường từ Mexico, gây ảnh hưởng tới nguồn cung đường trên toàn thế giới; giá dầu thô tiếp tục tăng cao, hỗ trợ cho giá đường.

ĐƯỜNG NHẬP LẬU TĂNG NHƯ VŨ BÃO

Bên cạnh những đánh giá và dự đoán về ngành đường, Kirin Capital cũng đưa ra ý kiến về vấn đề đường lậu. Theo một báo cáo về ngành mía đường Việt Nam được các chuyên gia của tổ chức Forest Trends công bố, đường lậu đã bắt đầu được ghi nhận tại nước ta từ năm 1999 và bắt đầu tăng mạnh vào năm 2008.

Theo báo cáo trên, quy mô nhập khẩu đường lậu đang ngày càng tăng mạnh từ mức 100.000 tấn đường vào năm 2008. Tới năm 2018, con số này đã lên đến hơn 890.000 tấn.

Hiện không có số liệu chính thức về lượng đường nhập lậu mỗi năm, song dựa vào số liệu của Tổ chức Đường thế giới (ISO), ước tính lượng đường nhập lậu vào Việt Nam trong giai đoạn 2008 – 2014 là khoảng hơn 270.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, đến giai đoạn 2015 – 2019, con số đã không chỉ dừng lại ở đó mà đã tăng đột biến, ước tính lên đến hơn 750.000 tấn/năm, gấp 2,8 lần so với lượng nhập lậu trung bình giai đoạn trước. Trong đó, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan và đi theo con đường từ Campuchia và Lào vào thị trường nội địa.

Nhằm mục tiêu phòng, chống nhập lậu đường, Việt Nam đã chính thức thực hiện cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ ngày 1/1/2020 dẫn tới xóa bỏ hạn ngạch và cắt giảm thuế nhập khẩu từ 80 - 85% xuống chỉ còn 5%, khuyến khích các thương nhân nhập khẩu vào Việt Nam qua đường chính ngạch.

Trong năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Tại quyết định này, mức thuế chống bán phá giá được ban hành lên đến 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%. Áp dụng mức thuế chống bán phá giá quá cao khiến cho những nỗ lực cắt giảm thuế nhập khẩu trước đó gần như vô nghĩa.

Theo thống kê Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong năm 2023 các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 661 vụ việc vi phạm, 111.994 đối tượng. Qua đó, tịch thu 684.492 kg đường cát, tiêu hủy 99.944 kg; xử phạt vi phạm hành chính 523 vụ, 654 đối tượng; xử lý hình sự 3 vụ, 3 bị can. Tổng số tiền phạt gần 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tiếp tục áp dụng thuế chống bán phá giá với đường mía từ Thái Lan. Theo đó, quyết định được chính thức áp dụng kể từ ngày 18/8/2023 đến 15/6/2026 đối với nhóm Công ty Mitr Sugar Corp., Ltd và 4 công ty liên kết, nhóm Công ty Thai Roong Ruang Industry Co., Ltd và 5 công ty liên kết, Công ty Czarnikow Group Limited.

Mức thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm của nhóm Công ty Mitr Sugar Corp., Ltd, Công ty Czarnikow Group Limited và 4 công ty liên kết là 32,75%. Mức thuế đối với nhóm Công ty Thai Roong Ruang Industry Co., Ltd và 5 công ty liên kết là 25,73%.

Liên tục áp dụng mức thuế chống bán phá giá nhằm bảo hộ ngành đường trong nước nhưng cần phải nhìn nhận rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng đường trong nước không nhận được nhiều sự đón nhận phần lớn được cho là đến từ chính sách trợ cấp, chính sách thuế và ngành công nghiệp kém hiệu quả của Việt Nam.

Hiện nay, chính phủ Thái Lan hiện vẫn đang thực thi chính sách trợ giá cho xuất khẩu đường khiến cho giá đường rẻ hơn so với đường sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời, chi phí sản xuất đường ở Việt Nam cũng cao hơn rõ rệt so với Thái Lan. Chính vì vậy, chính sách chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu giờ đây lại giống như con dao hai lưỡi, chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng buôn lậu.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Giá xăng đồng loạt bật tăng mạnh

Giá xăng đồng loạt bật tăng mạnh

Giá xăng, dầu đồng loạt tăng trở lại trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính, gây không ít bất ngờ cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp...

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...