Vi phạm an toàn thực phẩm, trung bình mỗi vụ phạt 200 nghìn

Trong số 678.755 cơ sở vi phạm, mới chỉ có 136.545 cơ sở bị xử lý, chiếm 20,1%, trong đó phạt tiền trung bình 200 nghìn đồng/vụ. Đây là thông tin được nêu tại báo cáo giám sát việc thực hiện chính sác
Vi phạm an toàn thực phẩm, trung bình mỗi vụ phạt 200 nghìn

Cả ngày 5/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát nội dung trên.

Mới khởi tố một vụ về an toàn thực phẩm

Theo kết quả giám sát, từ năm 2011 đến tháng 10/2016, tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra khá phức tạp, và là một thách thức lớn trong công tác an toàn thực phẩm.

Trong khoảng thời gian nói trên, toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc, 25.617 người nhập viện và 164 người chết. Trung bình mỗi năm có khoảng 167 vụ với hơn 5.000 nạn nhân, với khoảng 27 người chết.

Phần xử lý vi phạm, báo cáo giám sát cho biết theo thống kê của Bộ Công an trong thời gian từ 2011-2016, cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân chỉ khởi tố 1 vụ, 3 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, đã khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến an toàn thực phẩm theo các tội danh khác.

Tòa án nhân dân các cấp từ ngày 1/10/2010 đến 30/9/2016 đã thụ lý 321 vụ án liên quan đến an toàn thực phẩm, đã giải quyết, xét xử 313 vụ, cụ thể là thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 258 vụ/467 bị cáo.

Theo đoàn giám sát, việc xử lý vi phạm như vậy còn chưa nghiêm.

Mặc dù số vụ vi phạm là nhiều, có nhiều vụ nghiêm trọng xong việc xử phạt không tương xứng với mức độ vi phạm, số vụ xử lý hình sự quá ít so với mức độ nghiêm trọng xảy ra, không tạo ra sức răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm.

Kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu

Bố trí ngân sách không đầy đủ là nội dung được đoàn giám sát nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng ngân sách Nhà nước đầu tư cho công tác an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 là 2.545,79 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện còn thấp do bị cắt giảm (năm 2016 ngân sách Trung ươn giảm giảm 56%) và cấp chậm.

Riêng đối với chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm có tổng mức vốn là 4.139 tỷ đồng (giai đoạn 2012-2015). Tính từ năm 2011 đến năm 2015 thì tổng nguồn vốn được cấp mới chỉ là 1.251,49 tỷ đồng, chiếm 30,2% so với tổng mức vốn được phê duyệt.

Năm 2016, dự án an toàn thực phẩm thuộc chương trình mục tiêu y tế dân số dự kiến được cấp là 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 11/2016 chỉ mới được tạm ứng 64 tỷ chiếm 21,33%.

Ở các địa phương, tình trạng ngân sách thiếu và chậm phân bổ là phổ biến. Thống kê đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho công tác an toàn thực phẩm tại 44 tỉnh có số liệu đầy đủ, ước tính trung bình đầu tư từ Trung ương mỗi tỉnh/thành phố giai đoạn 2011 - 2016 là khoảng 14 tỷ đồng.

Đáng chú ý là một số địa phương nhiều năm ngân sách không bố trí cho công tác an toàn thực phẩm.

Thực trạng này, theo báo cáo giám sát, đã tác động lớn đến kết quả triển khai các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Báo cáo giám sát nêu rõ, để tồn tại những yếu kém, hạn chế trong quản lý an toàn thực phẩm là thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong tổ chức, phân bổ nguồn lực, đặc biệt là ngân sách cho công tác an toàn thực phẩm và tổ chức bộ máy triển khai thực hiện.

Theo Vneconomy.vn

Có thể bạn quan tâm