Vì sao "gà đẻ trứng vàng" của hàng không Việt Nam thua kém các nước?

Doanh thu “phi hàng không” bao gồm bán hàng trên mỗi hành khách qua hệ thống ACV chỉ đạt 1 USD/hành khách. Mức này là quá thấp so với mức trung bình châu Á là 10-12 USD, mức trung bình tại Thái Lan và

Tổng Công ty CP Cảng Hàng Không Việt Nam (ACV) là đơn vị quản lý trực tiếp 22 sân bay ở Việt Nam, tổng lượng hành khách toàn hệ thống của ACV ước đạt 81 triệu khách trong năm 2016, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á sau Thái Lan và Malaysia.

Theo công ty Nghiên cứu thị trường Nielson, cơ cấu dân số trẻ với thu nhập gia tăng với tầng lớp trung lưu sẽ chiếm 50% dân số Việt Nam trong 05 năm tới sẽ là động lực để thúc đẩy ngành hàng không phát triển. chi phí bay ngày càng vừa túi tiền với thu nhập của người dân và thời gian di chuyển nhanh sẽ là động lực quan trọng tiếp tục thu hút hành khách đến với phương thức vận chuyển này.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của ACV chưa phát triển tương xứng với quy mô hành khách. Thực tế, doanh thu 12 tháng của ACV tính đến cuối quý 3/2016 chỉ bằng lần lượt 40% và 60% con số của AOT, đơn vị quản lý các sân bay ở Thái Lan, và Malaysia BHD, đơn vị quản lý các sân bay tại Malaysia, trong khi quy mô hành khách đạt gần 68% và 60% sản lượng của hai đơn vị trên. Điều này một mặt xuất phát từ tỉ trọng hành khách quốc tế qua hệ thống ACV chỉ tương đương 30%, so với AOT là 58% và Malaysia BHD là 48%, và giá cước dịch vụ của khách quốc tế cao hơn 3-6 lần khách nội địa.

Để gia tăng doanh thu, các đơn vị quản lý sân bay trong khối ASEAN thường triển khai đầu tư dự án nhà ga sân bay tích hợp bao gồm một loạt các dịch vụ như khu mua sắm, lưu trú và dịch vụ ăn uống rất đa dạng. Việc phát triển tốt các dịch vụ giá trị gia tăng “phi hàng không” như quảng cáo, cho thuê mặt bằng, dịch vụ ăn uống sẽ tạo ra tác động cộng hưởng to lớn đến lợi nhuận của ACV.

Nguyên nhân khác đến từ sự phát triển còn nhiều hạn chế các dịch vụ đi kèm có giá trị gia tăng cao cho hành khách tại các nhà ga sân bay. Thực tế, doanh thu “phi hàng không” bao gồm bán hàng trên mỗi hành khách qua hệ thống ACV chỉ đạt 1 USD/hành khách, quá thấp so với mức trung bình châu Á là 10-12 USD, mức trung bình tại Thái Lan và Malaysia là 4-5 USD/hành khách.

Hai yếu tố trên vừa là hạn chế vừa cho thấy tiềm năng phát triển ngành hàng không ở Việt Nam nói chung và kết quả kinh doanh của ACV nói riêng còn rất lớn. Bên cạnh tốc độ tăng trưởng khách nội địa dự báo tiếp tục tăng 18-20%/năm, sự dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam cùng với khách du lịch từ nước này kì vọng sẽ là động lực tăng trưởng chính cho khối khách quốc tế đến Việt Nam trong các năm tới.

Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2016 tăng mạnh 26%, trong đó, khách du lịch Trung Quốc và Hồng Kông tăng gần 52%, chiếm gần 27% tổng lượng khách. Bên cạnh đó, đề xuất tăng cước phí các dịch vụ hàng không của ACV như phục vụ hành khách, hạ cất cánh và soi chiếu an ninh nhắm đến hành khách nội địa trong năm 2017 cũng là một yếu tố đem lại triển vọng doanh thu cho ACV.

Theo chuyên gia phân tích doanh nghiệp Nguyễn Hoàng, CTCK Rồng Việt, triển vọng kinh doanh ngành hàng không và cảng hàng không ở Việt Nam là khá tích cực. Vấn đề đặt ra đối với ACV là phải gia tăng hiệu quả hoạt động và triển khai nhanh các kế hoạch gia tănng công suất để nắm bắt cơ hội tăng trưởng.

Việc cổ phần hóa ACV và các Công ty con là bước đi tích cực nhưng đề án này sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn cho cổ đông của ACV nếu quá trình ấy thực sự thay đổi về chất đặt dưới sự giám sát của nhiều cổ đông khác, đồng nghĩa tỉ lệ sở hữu Nhà nước phải giảm sâu hơn.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải cho biết dự kiến ký hợp đồng bán cổ phần chiến lược tại ACV cho Tập đoàn Aeróports de Paris (ADP) trong tháng 3/2017, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước từ 95,396% hiện tại xuống còn 75,53% và ADP sẽ sở hữu 20% cổ phần tại ACV.

Theo Hiền Anh/Infonet

>> Giảm gánh nặng nợ, Vietnam Airlines rao bán 4 máy Boeing 777

Có thể bạn quan tâm