Vì sao ngân hàng vẫn “bỏ ngỏ” chỉ tiêu lợi nhuận dù nửa năm tài chính đã đi qua?

Mùa ĐHĐCĐ cổ đông đã đi qua với nhiều nỗi niềm được giải tỏa nhưng rieng đối với các cổ đông của ngân hàng vẫn còn nhiều nỗi niềm không chỉ câu chuyện cổ tức mà còn là những con số lợi nhuận còn chưa được rõ ràng trong kế hoạch kinh doanh.
Vì sao ngân hàng vẫn “bỏ ngỏ” chỉ tiêu lợi nhuận dù nửa năm tài chính đã đi qua?

Là một trong những nhà băng tổ chức khá sớm từ hồi cuối tháng 5/2020, HĐQT VietinBank đưa ra hàng loạt mục tiêu kinh doanh năm 2020, tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận hợp nhất cho năm nay vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Theo ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT ngân hàng, Vietinbank đang cân đối chỉ tiêu lợi nhuận 2020 do có nhiều yếu tố tác động. Trước đó, khi dịch bệnh chưa xảy ra, nhà băng này đưa mức dự kiến lợi nhuận thu về trong năm 2020 tăng 10% trở lên so với mức đạt được của năm 2019 (gần 11.000 tỷ đồng trước thuế).

Tương tự, HĐQT Vietcombank trình cổ đông hàng loạt mục tiêu cơ bản cho kế hoạch kinh doanh năm nay như nợ xấu, tổng tài sản, huy động vốn… song con số lợi nhuận cụ thể vẫn chưa được công bố mà được giải thích là tùy thuộc định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một số ngân hàng thương mại tư nhân khác, có thể kể đến như năm 2020, SCB dự kiến tổng tài sản tăng 12,19%, đạt 637.166 tỷ đồng; mục tiêu cho vay khách hàng đạt 377.283 tỷ đồng, tăng 13%; huy động thị trường 1 đạt 553.092 tỷ đồng, tăng 13,3%. Riêng mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng không được ban lãnh đạo nhắc đến với lý do SCB đang trong quá trình tái cơ cấu, nên mọi nguồn lực đều phải tập trung cho quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo nhận định của nhiều chuyên gia là do dịch Covid-19 bùng phát và lên đỉnh điểm từ tháng 3/2020 trên phạm vi toàn cầu, làm đảo lộn kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Vì vậy, các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 của ngân hàng cũng khó giữ được như dự kiến đưa ra đầu năm nay. 

Đồng thời, các nhà băng đang phải đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, thận trọng giải ngân mới để kiểm soát rủi ro nợ xấu, tránh dự phòng rủi ro gia tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Dù lãnh đạo các ngân hàng trên đã đưa ra những lý giải cho việc bỏ ngỏ mục tiêu lợi nhuận, song theo giới chuyên gia, bên cạnh những lý do riêng, thì còn có nguyên nhân do tác động khó lường của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế khiến các nhà băng gặp khó trong việc xác định hướng đi cho năm nay, cụ thể nhất ở điểm đến lợi nhuận.

Hiện, dịch bệnh đã được kiểm soát tại Việt Nam nhưng trên thế giới lại đang đối mặt với nguy cơ làn sóng Covid-19 lần thứ 2 bùng phát trở lại có thể ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh trong nước. Do đó, các nhà băng xác định những tháng còn lại của năm vẫn đầy rẫy khó khăn, nhiều ngân hàng đang tính toán điều chỉnh lại kế hoạch lợi nhuận dù đã đi qua nửa năm tài chính 2020.

Bên cạnh đó, ngân hàng là lĩnh vực bị ảnh hưởng gián tiếp bởi đại dịch nên sẽ có độ trễ. Khó khăn sẽ bắt đầu từ quý II, khách hàng bắt đầu giảm sử dụng các dịch vụ, hấp thụ vốn kém, dẫn đến nguồn thu của nhà băng giảm.

Có thể bạn quan tâm