Các chuỗi thức ăn nhanh nước ngoài vào Việt Nam hơn chục năm, doanh thu cả ngàn tỉ mỗi năm nhưng báo lỗ triền miên.
Lỗ nặng, lãi nhẹ
Đứng đầu danh sách thua lỗ kéo dài là chuỗi thức ăn nhanh Lotteria với mức lỗ lũy kế đến năm 2017 là 433 tỉ đồng, gần bằng vốn điều lệ công ty. Theo báo cáo kinh doanh của doanh nhiệp này, lỗ kéo dài do chi phí bán hàng quá cao. Jollibee vào Việt Nam sau Lotteria 1 năm, đến nay vẫn còn lỗ 400 tỉ đồng, trong khi quy mô vốn điều lệ cũng chỉ hơn 409 tỉ đồng. Điểm chung của 2 "ông lớn" này là biên độ lợi nhuận gộp rất cao, xấp xỉ 50% và cùng đều chi rất đậm cho chi phí bán hàng.
Hàng loạt chuỗi thức ăn nhanh khác như Pizza Hut, The Pizza Company, Burger King, Domino’s Pizza, Popeyes… cũng rơi vào điệp khúc lỗ triền miên từ khi gia nhập thị trường Việt Nam. Trong khi đó, KFC sau giai đoạn dài lợi nhuận trồi sụt bất thường đã đột ngột báo lãi 103 tỉ đồng trong năm 2017 dù biên độ lợi nhuận gộp chỉ khoảng 20% trong năm 2017 và 10% trong các năm trước.
Trong nước, Công ty CP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) sở hữu hàng loạt thương hiệu chuỗi đồ ăn trong nước nổi tiếng, như Ashima, Huton, Vuvuzela, isushi, Gogi, Sumo BBQ… Theo số liệu do Golden Gate công bố, số lượng khách hàng ghi nhận tăng trưởng phi mã trong 8 năm qua, từ dưới 1 triệu khách hàng giai đoạn 2008-2009 tăng lên 4 triệu vào năm 2016. Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên của DN này cho thấy đến năm 2016, doanh thu đã qua kiểm toán đạt 2.626 tỉ đồng; tăng đến 42% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế 229 tỉ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng gần 49%. Những năm gần đây, dù doanh thu lớn song tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu của Golden Gate chỉ ở mức 8%-9%/năm.
Chuỗi cửa hàng Pizza Home tại Hà Nội cũng đang hoạt động hiệu quả. Ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập Pizza Home, cho biết đã từng mở 5 cửa hàng Pizza Home tại TP HCM nhưng đã đóng cửa cả 5. Tại Hà Nội, Pizza Home đã sắp xếp lại chuỗi, chỉ giữ lại 5 cửa hàng hiệu quả nhất. "Kinh doanh phải có lãi chứ không cần quá tập trung vào quy mô. Dĩ nhiên Pizza Home muốn mở rộng tại những thành phố lớn nhưng yếu tố về hiệu quả kinh doanh luôn được đặt lên hàng đầu" - ông Tùng nói.
Chi phí ăn hết lãi?
Ông Hoàng Tùng chỉ ra rằng thị trường thức ăn nhanh sau thời gian bùng nổ đã có sự sàng lọc nhất định. Có những thương hiệu nước ngoài được mua và triển khai tại thị trường Hà Nội nhưng sau đó phải đóng cửa. Nhiều thương hiệu khác không thể mở rộng theo đúng quy mô mong muốn. Những hãng trên đưa ra lý do là chi phí bán hàng quá cao, đây chỉ là một phần của vấn đề vì thực tế chi phí nguyên liệu, thuê cửa hàng và nhân viên trong lĩnh vực này lớn hơn những mô hình kinh doanh ẩm thực khác. Phần còn lại là chi phí mua nhượng quyền, mô hình kinh doanh và sản phẩm không phù hợp cũng là nguyên do khiến việc kinh doanh không thuận lợi.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), thừa nhận 2 trong số 5 thương hiệu do IPP nhượng quyền độc quyền vào Việt Nam vẫn còn lỗ, 2 đang dần ổn định và 1 đã có lãi. "Nhiều người thấy Burger King đóng cửa một số cửa hàng thì nghĩ rằng chúng tôi thua lỗ đậm, dần rút lui. Có người thắc mắc vì sao thua lỗ kéo dài mà vẫn bám trụ. Câu trả lời đơn giản là thị trường có "nạc" lẫn "xương", chúng tôi lấy doanh thu từ những chỗ "nạc" nuôi chỗ "xương" nên vẫn bám trụ được" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Cũng theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, trong ngành thức ăn nhanh không có sản phẩm dở, chỉ có khẩu vị người tiêu dùng thích thế nào và mặt bằng kinh doanh "ngon" hay không. Mặt bằng quyết định thành bại của cửa hàng nhưng giá thuê mặt bằng tại các đô thị lớn của Việt Nam đang cao ngất ngưởng, ăn hết lợi nhuận. "Mặt bằng ở khu vực trung tâm quận 1 chiếm đến 60% tổng chi phí, càng mở nhiều càng lỗ nặng. Vì vậy, không riêng chúng tôi mà nhiều doanh nghiệp đang tạm ngưng mở rộng chuỗi, sắp xếp lại theo tiêu chí hiệu quả và bảo đảm số lượng cửa hàng theo đúng hợp đồng với đối tác nhượng quyền" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Quan sát ở góc độ chuyên gia, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng với các chuỗi nhà hàng ăn uống sau khi vượt qua điểm hòa vốn theo nguyên tắc, lợi nhuận không cao nhưng khó có khả năng lỗ. Các chuỗi của Golden Gate là ví dụ.
"KFC, Lotteria… sẽ có lãi sau 2-3 năm đi vào hoạt động. Các chuỗi này thường mở rộng hệ thống rất mạnh mẽ nên doanh số, lợi nhuận của cửa hàng nọ bù cho cửa hàng kia nên khó lỗ quá nặng" - ông Phú nhận định.
Khả năng thành công cao Chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh đánh giá tiềm năng thị trường thức ăn, đồ uống tại Việt Nam hiện rất lớn với mức tăng trưởng thường xuyên là 2 con số. Thị trường này có sức hút không nhỏ đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước và khả năng kinh doanh thành công rất cao. Lực lượng dân số trẻ với hơn 60% dưới 35 tuổi, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 2.200 USD đã chứng minh Việt Nam là thị trường nhiều hứa hẹn cho ngành bán lẻ đồ ăn, uống nhanh. 40 thương hiệu nhà hàng thức ăn nhanh, bánh, cà phê, đồ uống, nhà hàng, lẩu nướng... nước ngoài được Bộ Công Thương cấp phép vào Việt Nam trong 8 năm qua cũng đã phản ảnh sức hút thị trường. |
Theo Người Lao Động