Vì sao vốn Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam?

Hiện nay, dòng vốn từ Trung Quốc đang đổ rất mạnh vào Việt Nam trong thời gian qua kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn khiến giới chuyên gia lo ngại.
Vì sao vốn Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam?

5 năm tăng vốn gấp 5 lần

Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I/2017, các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót vào Việt Nam 823,6 triệu USD với 58 dự án đăng ký mới, 177 lượt góp vốn mua cổ phần, chiếm 10,68% tổng vốn đầu tư. Với số vốn khủng này, Trung Quốc đã vượt qua Nhật, Anh, Mỹ để giành lấy ngôi vị thứ 3 trong tổng số 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.

Có thể hình dung sự tăng trưởng mạnh của dòng vốn Trung Quốc thông qua việc nhìn lại quá khứ. Cách đây 5 năm – năm 2012, Trung Quốc chỉ xếp thứ 13 trong số 100 đối tác đầu tư vào Việt Nam với hơn 2 tỷ USD thì đến cuối 2016, con số này đã vượt 10,5 tỷ USD, tức tăng gấp 5 lần.
Vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu qua hai hình thức là rót vốn thực hiện dự án hoặc mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam. Theo thống kê, riêng trong 3 tháng đầu năm nay, vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam qua hình thức góp vốn mua cổ phần, thâu tóm (M&A) doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chế biến chế tạo, dệt nhuộm… đã tăng rất mạnh.

Vốn Trung Quốc vào nhờ… TPP thất bại

Vì sao vốn Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam? ảnh 1

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cách đây 2 năm, dòng vốn FDI tăng lên khá vững chắc do kì vọng lớn về TPP. Bình thường con số giải ngân đều đặn là 10 tỷ USD nhưng trong 2 năm qua, số giải ngân đã tăng vọt lên 13 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái, dòng vốn FDI bắt đầu chững lại do TPP bộc lộ nhiều khả năng không thành công. Đến quý I/2017, việc TPP thất bại đã trở thành hiện hữu, dòng vốn FDI cũng lập tức sụt giảm trông thấy.

Bên cạnh nguyên nhân này, còn có 1 nguyên nhân khác (chưa được bộc lộ rõ) đó là tiến trình hội nhập AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN).

Đây là 1 nhóm nguyên nhân. Còn 1 nhóm nguyên nhân khác nữa còn chưa được bộc lộ rõ nhưng đang tồn tại ở hệ thống doanh nghiệp, đó là do hội nhập AEC. Theo đó, vốn FDI có khuynh hướng rút khỏi Việt Nam để chuyển sang các nước thành viên AEC.

Trước kia, khuynh hướng này bị che lấp đi do vốn FDI đăng ký vẫn tăng lên đều đặn (vì kì vọng TPP). Nhưng từ khi TPP biến mất, khuynh hướng rút chạy đã bắt đầu bộc lộ rõ. Và tất nhiên, thay vào cho sự sụt giảm của vốn FDI là dòng vốn của Trung Quốc.

“Trung Quốc hiện đã bắt đầu dư thừa vốn và giá lao động đang tăng lên rất nhanh. Vì thế nhu cầu dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc không chỉ đến từ doanh nghiệp nước ngoài mà đến cả từ chính những doanh nghiệp Trung Quốc nữa. Chúng tôi nghĩ Việt Nam là một điểm đến, do đó, vốn Trung Quốc tăng lên nhanh trong quý I vừa qua”, ông Thành phân tích.

Vốn Trung Quốc dễ sang vì lãnh đạo còn tư duy nhiệm kì

Vì sao vốn Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam? ảnh 2

Đồng ý với nhận định của TS Nguyễn Đức Thành, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) nhìn nhận vốn Trung Quốc “ùa” vào Việt Nam còn do một nguyên nhân khác là đồng USD lên giá và có xu hướng dịch chuyển đầu tư vào Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Tuyển cũng thẳng thắn: “Tại sao Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 ở Việt Nam? Vì lãnh đạo ta có tư duy nhiệm kì và chủ nghĩa thành tích rất nặng nề. Các ông làm thế nào trong nhiệm kỳ của tôi đạt được tăng trưởng kinh tế, còn hậu quả để lại thì ông sau chịu trách nhiệm. Đấy là tư duy nặng nề, chúng ta nói mãi mà không thể thay đổi. Rất nguy hiểm. Nếu không thay đổi chúng ta sẽ nhận công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc, nhất là khi họ chuyển sang nền kinh tế với công nghệ cao”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bổ sung thêm một nguyên nhân: Trung Quốc có thặng dư thương mại với hầu hết các nước. Để tránh “mang tiếng”, Trung Quốc đã cố gắng dịch chuyển phần sản xuất của họ ra nước ngoài. Ví dụ sang Việt Nam, hàng hóa Trung Quốc trở thành hàng “made in Vietnam” và xuất khẩu đi.

Dòng vốn Trung Quốc “độc” như thế nào?

Theo ông Nguyễn Đức Thành, vốn Trung Quốc có khá nhiều rủi ro. Đó là đặc thù Trung Quốc không có công nghệ cao, cách thức làm ăn lại không minh bạch. Nhà đầu tư Trung Quốc không có nguyên tắc đạo đức nào trong việc thâm nhập vào thị trường Việt Nam, trong việc xin giấy phép đầu tư… hệ quả ta thấy là môi trường sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Trương Đình Tuyển khẳng định đầu tư Trung Quốc là một vấn đề lớn mà chúng ta phải đối mặt. Đó là công nghệ thấp, không thân thiện môi trường theo dòng vốn tràn vào Việt Nam. “Không phải họ không có công nghệ cao (họ sản xuất robot đứng đầu thế giới đấy) nhưng khi họ chuyển sang công nghệ cao thì sự thay đổi công nghệ, thay đổi tư liệu sản xuất không dễ dàng và cách duy nhất là họ tìm cách tống sang Việt Nam”, ông Tuyển nói.
Bà Phạm Chi Lan phân tích thêm: Nếu Việt Nam nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp qua các dự án như Formosa, Cà Ná hay nhập khẩu hàng hóa vào, mang danh là có chế biến đi một tí chút để xuất khẩu thì rốt cục người hưởng lợi chính là Trung Quốc mà tai tiếng thì Việt Nam lại “hưởng cả”. Việt Nam trở thành người không những không được lợi mà còn “mang tiếng” là tiếp tay cho kẻ gian dối trong thương mại với đối tác. Vụ Mỹ đặt dấu chấm hỏi về thép Việt Nam xuất khẩu có phải là thép của Việt Nam hay không là một ví dụ.

“Việt Nam vừa là một thị trường tiêu thụ vừa là một thị trường trung chuyển cho Trung Quốc. Mang danh là hàng Việt Nam nhưng thực chất là ‘made in Vietnam by China’ để mà xuất khẩu.

“Nếu Việt Nam cứ vui vẻ, hồ hởi tiếp nhận đầu tư Trung Quốc như thế này thì đó giống như một thông điệp ngược đối với các nhà đầu tư đàng hoàng đứng đắn, muốn tuân thủ nguyên tăc đạo đức, liêm chính. Các nhà đầu tư ấy, họ sẽ chọn đất khác bởi họ không muốn làm tại một đất nước có những nhà đầu tư có chuẩn trái ngược. Hơn thế lại còn dễ bị lẫn lộn giữa 2 đối tượng với nhau, thậm chí đối tương tồi tệ hơn lại được hưởng nhiều ưu đãi”, bà Chi Lan nói.

Theo Thụy Khanh/Vietnamfinance.vn

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...