Viconship phát hành 40 triệu cổ phiếu với giá thấp hơn 44% thị giá trên sàn

Công ty CP Container Việt Nam (Viconship, HoSE - Mã: VSC) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường thông báo thay đổi nhân sự thành viên HĐQT cùng phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ vào ngày 9/9.
Viconship phát hành 40 triệu cổ phiếu với giá thấp hơn 44% thị giá trên sàn

Theo đó, cổ đông đã thông qua miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT Viconship là ông Trần Quang Tiến và ông Dương Tiến Dũng, bầu bổ sung ông Cáp Trọng Cường và ông Nguyễn Đức Dũng.

Ông Cường sinh năm 1978, hiện làm Giám đốc Công ty CP Cảng Xanh VIP, Thành viên HĐQT Công ty CP dịch vụ dầu khí Đình Vũ và Công ty cảng VIMC Đình Vũ. Trong khi đó, ông Dũng là Tổng giám đốc Công ty CP Tập Đoàn Thành Thái (HNX - Mã: KKC) và Chủ tịch HĐQT Thành Đức Holding.

Tại đại hội, cổ đông cũng đã thông qua phương án chào bán 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá 20.000 đồng/cp, thấp hơn 44% so với giá chốt phiên 15/9. Nhà đầu tư chiến lược tham gia mua gồm Công ty CP đầu tư và dịch vụ Cảng biển TTD và Công ty CP đầu tư và dịch vụ Xuất nhập khẩu Thái Bảo.

Cả hai doanh nghiệp trên chỉ vừa mới được thành lập trong năm 2022 và đều có trụ sở tại Hải Phòng. Tuy nhiên, theo giấy phép đăng ký kinh doanh, quy mô vốn điều lệ của hai doanh nghiệp đều lớn. Đầu tư và Dịch vụ Cảng biển TTD có vốn điều lệ 450 tỷ đồng; trong khi Thái Bảo có vốn điều lệ đăng ký 550 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của cả hai doanh nghiệp có điểm tương đồng khi đều được góp vốn bởi 3 cá nhân với tỷ lệ sở hữu từng cá nhân lần lượt 30%, 30% và 40%.

Theo Viconship, 2 nhà đầu tư trên có cam kết giữ cổ phần 3 năm kể từ thời điểm chào bán, có năng lực tài chính và khả năng hỗ trợ công ty về mặt quản trị, công nghiệp, phát triển thị trường

Trước thông tin này, cổ phiếu VSC phản ứng không mấy tích cực khi giảm từ vùng 50.000 đồng/cp từ đầu tháng 6 xuống mức 35.000 đồng/cp và duy trì đi ngang cho đến nay.

Tại đại hội, cổ đông cũng đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến cách thức xác định giá chào bán, phương án M&A hay xem xét huy động vốn từ cổ đông hiện hữu thay cho chào bán riêng lẻ…

Trả lời cổ đông, lãnh đạo Viconship cho biết, khi đàm phán giá đã cân nhắc các yếu tố như rủi ro biến động thị trường, biến động giá cổ phiếu trong những năm gần đây và thời gian sắp tới vẫn còn ở mức cao; tham khảo mức chiết khấu và thời gian hạn chế chuyển nhượng của các đợt phát hành riêng lẻ gần nhất của công ty niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán; quy định của luật.

Đồng thời, HĐQT cũng cân nhắc việc huy động vốn từ cổ đông hiện hữu nhưng hình thức này cần thời gian huy động kéo dài, đợt phát hành gần nhất của công ty từ khi được ĐHĐCĐ thông qua cho đến khi được sử dụng vốn mất 11 tháng. Điều này sẽ khiến công ty bỏ lỡ cơ hội M&A.

Theo đó, phần lớn số tiền huy động từ đợt phát hành riêng lẻ được công ty sử dụng để M&A các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển. HĐQT cho biết, thời điểm thực hiện rơi vào khoảng đầu quý IV, nếu trễ hơn Viconship sẽ bỏ lỡ cơ hội vào tay các đối thủ khác.

Trong bối cảnh huy động vốn qua kênh tín dụng hay trái phiếu đều bị hạn chế về room tín dụng hoặc quy định ngân hàng không được tài trợ vốn mua cổ phần, thời gian huy động vốn bằng chào bán cho cổ đông hiện hữu kéo dài thì phương án phát hành riêng lẻ là phù hợp nhất.

HĐQT cũng hé hộ tham vọng trở thành tập đoàn logistics toàn cầu nên cần M&A với công ty vận tải biển để hoàn thành chuỗi cung ứng. Đội tàu container Việt Nam đang để trống rất nhiều thị phần và Viconship có tham vọng sở hữu đội tàu nằm trong top đầu Đông Nam Á, châu Á.

Viconship hoạt động trong lĩnh vực vận hành cảng biển. Trong quý II, doanh nghiệp đã mua gần 99% vốn Công ty cổ phần cảng cạn Quảng Bình – Đình Vũ. Dự án Cảng cạn ICD Quảng Bình - Đình Vũ có tổng diện tích dự kiến khai thác, sử dụng là hơn 26 ha, số vốn đầu tư hơn 432 tỷ đồng, thời gian hoạt động, khai thác 50 năm.

Đây là dự án cảng cạn đầu tiên trên địa bàn Hải Phòng và là một trong những cảng cạn lớn nhất khu vực phía Bắc, vừa có kết nối với đường bộ, vừa có kết nối với cảng biển. Cảng này có những hạng mục như kho ngoại quan, kho hàng đông lạnh, bãi contaier, máy soi container, điểm làm việc của Hải quan…

Bên cạnh đó, HĐQT cũng thông báo ngày 29/9 đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông trả cổ tức tỷ lệ 10%, 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Ngày thanh toán 18/10.

Viconship báo lãi quý II gần 100 tỷ đồng

Về kết quả kinh doanh, theo BCTC hợp nhất quý II, Viconship ghi nhận doanh thu tăng 7% đạt 512 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 9% lên 94 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này chậm hơn so với mức xấp xỉ 50% của 3 quý trước.

Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cảng biển tiếp tục cải thiện từ mức 32% cùng kỳ năm trước lên 34,74%. Chi phí tài chính không đáng kể, tổng chi phí bán hàng và quản lý không đổi ở mức 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động liên doanh liên kết phát sinh khoản lỗ 9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 2 tỷ đồng.

Viconship có 4 công ty liên doanh, liên kết tỷ lệ sở hữu từ 22% đến 36%, tổng đầu tư 506 tỷ đồng. Riêng khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Cảng VIMC Đình Vũ là 392,5 tỷ đồng.

Cảng VIMC Đình Vũ được thành lập từ 2011, theo chia sẻ của ông Nguyễn Việt Hòa – Chủ tịch Viconship, thủ tục đầu tư dự án bị chậm và dự kiến đi vào hoạt động từ quý II, chậm nhất là quý III năm nay.

Vào đầu tháng 5 và 6, đơn vị này đã công bố giá dịch vụ cảng biển, mời chào cung cấp dịch vụ cho thuê cẩu bờ di động cùng tuyển dụng nhân sự. Dự án có quy mô 3 bến với tổng chiều dài 630 m2, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng bến số 1 có tổng chiều dài 240 m.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt 981 tỷ đồng, tăng 8%; lãi sau thuế 184 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, Viconship lên kế hoạch doanh thu 1.900 tỷ đồng, gần như đi ngang và lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện 2021. Như vậy, sau nửa chặng đường, công ty cảng biển thực hiện được 51,6% mục tiêu doanh thu và 53,8% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tại thời điểm cuối quý II, tổng tài sản Viconship đạt 3.533 tỷ đồng, tăng thêm 267 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tiền và tương đương tiền giảm đáng kể từ 1.013 tỷ đồng xuống 583 tỷ đồng, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng từ 99 tỷ lên 255 tỷ đồng. Tài sản dài hạn tăng thêm 481 tỷ đồng lên 2.305 tỷ đồng, do khoản chi phí trả trước dài hạn tăng mạnh ở đầu tư xây dựng Công ty cổ phần đầu tư dịch vụ và phát triển xanh 420 tỷ đồng.

Công ty gần như không vay nợ, vốn chủ sở hữu chiếm 90,3% nguồn vốn với 3.169 tỷ đồng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm