Các doanh nghiệp trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bước vào một giai đoạn mới với việc các công ty trong khu vực ngày càng gia tăng đầu tư vào các nước láng giềng.
Trong chuyến đi đến Myanmar, khi tìm mua thẻ sim để liên lạc, chúng tôi được người bán hàng trong bộ trang phục truyền thống longyi giới thiệu một sản phẩm sim 4G hiện đang rất được ưa chuộng tại Myanmar có tên gọi Mytel.
Mytel chính là thương hiệu mạng di động của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) xây dựng và phát triển ở Myanmar. Viettel chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp ASEAN đại diện cho một xu hướng mới, đó là làn sóng đầu tư nội khối.
Đầu tư nội khối ASEAN đã đạt mức kỷ lục gần 24 tỷ USD vào năm 2016, tăng 12% so với năm trước đó, theo báo cáo Đầu tư ASEAN do Ban thư ký ASEAN và Hội nghị của liên hợp quốc về thương mại và phát triển công bố.
Khu vực ASEAN, từ lâu đã là điểm đến của các doanh nghiệp nước ngoài với thế mạnh giá lao động rẻ, hiện đang chứng kiến việc một số công ty lớn trong khối nổi lên như những người chơi chính.
Sau khi tích lũy được đủ vốn và kinh nghiệm, các tập đoàn lớn nhất của khu vực đang bắt đầu thực hiện các khoản đầu tư chiến lược vào chính các nước láng giềng của mình, theo đó, tăng cường tiến trình hội nhập kinh tế của toàn khối.
Môi trường kinh doanh thuận lợi hơn
Ông Jatuphat Tangkaravakoon, Giám đốc điều hành của hãng sơn TOA Paint (Thái Lan) trao đổi với tờ Nikkei cho biết: "Ba nhà máy sản xuất mới sẽ giúp chúng tôi tăng thị phần của mình trong thị trường sơn và sơn phủ tại nước ngoài".
Công ty này sẽ chi khoảng 1,2 tỷ baht (36,6 triệu USD) để xây dựng các nhà máy ở Indonesia, Myanmar và Campuchia với mục tiêu trở thành nhà sản xuất hàng đầu về sơn trang trí và các sản phẩm sơn phủ tại thị trường ASEAN.
Trong khi đó, tập đoàn Tan Chong của Malaysia đang mở rộng hoạt động của mình tại Myanmar. Nhà sản xuất ô tô này đã bắt đầu lắp ráp dòng xe sedan Sunny của Nissan tại Yangon vào năm 2016 và sẽ khởi công xây dựng một nhà máy khác ở thành phố Bago vào năm 2019.
Tập đoàn TCC ( Thái Lan), thông qua công ty hàng đầu của mình là ThaiBev, đã thành công trong việc mua lại 54% cổ phần tại Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào cuối năm 2017. Chính phủ Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu được khoảng 4,8 tỷ USD từ thương vụ này.
Tập đoàn Siam Cement (SCG) của Thái Lan đã xây dựng một nhà máy sản xuất xi măng tại Lào, có công suất trung bình 1,8 triệu tấn mỗi năm. Dự án này có giá trị lên tới 10 tỷ baht. Tập đoàn này kỳ vọng nhu cầu về xi măng sẽ tăng trong bối cảnh Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa sáng kiến Vành đai và Con đường.
Đầu tư nội khối còn chiếm 25% tổng đầu tư của các nước ASEAN. Các nhà sản xuất như TOA Paint là những động lực lớn nhất, đóng góp 1/3 vào con số đầu tư nội khối của ASEAN. Xu hướng này tiếp tục vào năm 2017. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Philippines từ khối ASEAN đã tăng 74% trong giai đoạn từ tháng 1-9, lên 348 triệu USD, theo dữ liệu từ Ngân hàng trung ương Phillipines.
Tại Việt Nam, nguồn vốn đầu tư FDI từ 9 nước còn lại trong khối ASEAN là 6,44 tỷ USD, tăng 190% so với mức vốn đăng ký đầu tư vào năm 2016. Trong đó, vốn đăng ký FDI của Singapore đạt 5,3 tỷ USD vào năm 2017, tăng 245% so với năm 2016, đứng thứ ba trong số các nước đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản.
Doanh nghiệp Việt thu hẹp khoảng cách
Hầu hết các khoản đầu tư nội khối thường bắt nguồn từ các nền kinh tế phát triển nhất khu vực như Singapore, Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách.
Tập đoàn Viettel đã tiến hành xây dựng liên doanh với các đối tác Myanmar để mở rộng mạng lưới di động của mình tại thị trường Đông Nam Á này. Viettel công bố vào tháng 1 năm ngoái rằng sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào các dự án tại Myanmar. Liên doanh dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ di động phù hợp với kế hoạch và phát triển thị trường, tập trung vào các vùng nông thôn.
Một tập đoàn lớn nữa Việt Nam cũng đang tích cực đầu tư nước ngoài là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Đầu năm 2017, Vinamilk đã chi gần 11 triệu USD để mua lại 49% cổ phần còn lại của Công ty Angkor Dairy Products (Angkormilk) Campuchia, qua đó chính thức sở hữu 100% cổ phần công ty này trong nỗ lực tăng cường sự hiện diện mạnh mẽ hơn trên thị trường.
Làn sóng đầu tư mới
Một xu hướng mới nổi trong đầu tư kinh doanh ở khu vực ASEAN là ngày càng có nhiều công ty trong khối mua lại các hoạt động kinh doanh của các công ty từ các nước phát triển.
Vào cuối tháng 4/2016, Tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Thái Lan – Central Group - đã thành công trong thương vụ thâu tóm chuỗi siêu thị Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino của Pháp với giá 1,1 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A lớn nhất trong năm 2016.
Có được Big C, Central Group có trong tay hệ thống siêu thị với 43 cửa hàng, 30 khu trung tâm mua sắm trải dài từ Nam ra Bắc. “Tài sản” của Big C còn là bán lẻ trực tiếp cho 50 triệu lượt khách mua sắm mỗi năm, trong đó có 2,8 triệu khách hàng thành viên.
Cũng vào năm 2016, tập đoàn TCC của Thái Lan đã chi 655 triệu euro để mua lại chuỗi siêu thị bán lẻ Metro của Đức tại Việt Nam.
Theo The Leader